Ghi lại lời giới thiệu của Ni sư Như Đức
về buổi học Dõi Bước Huyền Trang
Lớp học của
mình hôm nay học về sử. Và ý định là nói về ngài Huyền Trang, cũng là ý định rất
lâu. Bởi vì cuộc đời của Ngài có nhiều tấm gương mà mình thấy nếu không phổ biến
trong Đại chúng thì rất là uổng.
Với tinh thần
học hỏi, tinh thần vì đạo pháp của ngài Huyền Trang đây là một điều chúng ta cần
biết, giống như một tấm gương của người xưa mà mỗi khi học, mình có cảm giác
cái gì đó khích lệ và nâng đỡ tinh thần của mình rất nhiều.
Môn này thật ra coi
như là một sáng tác của thiền viện mình vì chưa có lớp học nào học kỹ về ngài
Huyền Trang. Tinh thần học của thiền viện mình là tinh thần học có tính cách tự
do. Nên thấy cái gì hay cái gì quý thì mình học.
Về con người của
ngài Huyền Trang.
Nguồn cội của đạo Phật của
giáo lý nằm tận Ấn Độ. Mà thời trước, thời của Ngài khoảng năm sáu trăm mấy, cách
chúng ta ngàn mấy trăm năm, gần hai ngàn năm, thì khoảng cách giữa Ấn Độ và
Trung Hoa, giữa Ấn Độ và các nước vùng Đông Nam Á này là những khoảng cách rất
lớn. Nên những tinh túy Phật học, những cái gọi là nôi văn hóa thì miền Á Châu
có hai nơi gọi là Trung Tâm Văn Hóa cổ đại là Ấn Độ và Trung Hoa. Giữa Ấn Độ và
Trung Hoa bị ngăn cách bởi những dãy sa mạc và núi tuyết của vùng Trung Á. Cho
nên những gì tinh túy của vùng này không đến được với vùng kia chỉ trừ khi theo
chân các vị cao Tăng và các thương buôn của con đường tơ lụa. Thì mới có cái gì
chút ít gọi là tinh ba văn hóa. Trong đó tinh ba văn hóa Phật học là một cái
tinh túy lớn nhất. Nếu mà chúng ta không biết đến những tinh túy đó, không biết
đến những cái hay cái đẹp đó là một điều thiếu thốn vô cùng.
Tôi thì chủ trương
như thế này, mình tu là để tìm ra cái hay cái đẹp của chính mình, cái tinh túy
của chính mình. Cái mà mình gọi là bỏ qua hết, gạn lọc hết những cái dở xấu, những
phần thô, những cái đãi cát tìm vàng, những cái thô, cái dở, cái xấu của mình
đãi hết, mình lọc hết, để nhận ra một chất rất quý báu, chất đó trong nhà Phật
gọi là viên ngọc, viên ngọc Phật tính ở trong tâm chúng ta. Viên ngọc đó, tinh
túy đó, muốn gạn lọc nó chúng ta phải học hỏi rất nhiều, nếu không có những bản
kinh, những sách vở, những lời dạy của các bậc đã chắt lọc được cái tinh túy của
mình mà truyền trao lại cho chúng ta, thì chúng ta rất là lúng túng, chúng ta
không biết mình phải gạn lọc mình như thế nào.
Cho nên mỗi khi gặp
những tác phẩm hay, mỗi khi gặp những cuộc đời xuất sắc, tôi đọc rất là cảm động.
Và trong những cuộc đời hay nhất mà tôi luôn luôn chiêm ngưỡng và luôn luôn
mang ơn, một là ngài La Thập, hai là ngài Huyền Trang. Vì sao? Vì hai vị đó đã
có công đem tinh túy của Ấn Độ từ văn học tiếng Phạn chuyển sang văn học Trung
Hoa. Nếu không có cái thông dịch đó, cái chuyển tải đó thì văn học Trung Hoa sẽ
bị mất một phần rất lớn cái tinh ba của nhân loại.
Cái tinh ba, cái hay cái đẹp
cái chất ngọc của nhân loại trong lời dạy của đức Phật, nằm ở Ấn Độ, mà nếu từ Ấn
không dịch qua Trung Hoa thì chúng ta bị thiệt thòi rất lớn. Mà giữa hai nền văn
học Trung Hoa và Ấn Độ có những nét tương phản với nhau rất nhiều. Thứ nhất ngôn
ngữ của Ấn Độ là ngôn ngữ đa âm, cũng như tiếng Pháp, tiếng Anh. Ngôn ngữ của
Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn... là ngôn ngữ đơn âm. Rồi tinh thần của Ấn Độ và
Trung Hoa cũng khác nhau rất nhiều. Nhưng nếu không có các vị dịch kinh thì hẳn
hôm nay chúng ta phải chuyển qua học Phạn ngữ mới hiểu được hết các bộ kinh của
Phật. Nếu không có những bộ kinh đó thì tôi cũng không biết nói tâm hồn của mình
nó ra làm sao, nếu mình không đọc được, không nghe dạy, mình không được giải thích,
không có kho tàng đó thì tâm của mình kho tàng tri thức và phần tu của mình bị
thiếu sót rất nhiều.
Quý vị cũng biết nền
Thiền học Việt Nam của mình từ thời các vị Tổ như Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Vô Ngôn
Thông cho đến thời Lý thời Trần chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Các vị thiền sư của
mình mở miệng ra là nói thơ Trung Hoa, đọc chữ Hán, học chữ Hán, đó là một phần
gia tài của mình rồi, thành ra cái này cũng là một nhân duyên.
Cho nên hai vị có
công chuyển dịch đem tinh túy từ tiếng Phạn chuyển qua Trung Hoa lớn nhất đó là
La-thập và Huyền Trang.
Ở đây chúng ta chỉ nói đến
tinh thần của Ngài, vì sao Ngài lại phải cất công đi xa đến như vậy. Đó chính là
tinh thần quý trọng Phật pháp của ngài Huyền Trang. Khi Ngài mới 13 tuổi Ngài
muốn xuất gia. Quan Lý Khanh Trịnh Thiện Quả hỏi Ngài, ông xuất gia ý muốn để làm
gì. Ngài đáp, ý muốn xa thì nối gót Như Lai, gần thì làm cho Phật pháp chiếu rạng.
Cho nên mục đích xuất gia, mục đích đi từ Trung Hoa sang Ấn Độ đó là tinh thần
cầu học, đó là tinh thần quý trọng Phật pháp. Vì Ngài muốn lời dạy của đức Phật
phải được hiểu chính xác rõ ràng. Chớ không đi tới nơi thu thập những tinh túy đó
thì không biết được ý chính đích thật của nó như thế nào, mà không biết được ý
chính đích thật thì truyền lại cho người sau bị sai lệch. Ý Ngài không muốn điều
đó cho nên Ngài cất bước ra đi. Cũng có nhiều vị Tăng mà người ta gọi là “nhập
Trúc cầu pháp”, nhưng mà cũng có thể lượng cung cấp và cơ duyên không bằng ngài
Huyền Trang. Cho nên khi ngài Huyền Trang về nước Trung Hoa dưới
thời nhà Đường là một thời văn hóa thịnh trị, vua Đường Thái Tông lại là một người
rất quý trọng ngài HuyềnTrang, xây dựng một cung riêng để Ngài ở và dịch kinh
coi như tài trợ cung cấp hết những nhu cầu cần thiết cho dịch trường của Ngài.
Hai người được nhà
vua bảo hộ thành công là ngài La-thập và Huyền Trang. Chúng ta thấy đời sống và
sinh hoạt của tăng chúng thời đó nếu được vua bảo trợ và tài trợ thì mới thành
tựu tốt đẹp.
Tư tưởng Phật học nếu
Ngài không đem bộ Đại Bát Nhã về dịch, nếu Ngài không đem tư tưởng Duy thức
sang Trung Hoa thì người ta nói nền triết học Phật học của Trung Hoa bị một lỗ
hổng rất lớn. Vấn đề Tánh Không, Duyên khởi, Duy thức, vấn đề nhận xét sâu về tầng
tâm thức của con người, chúng ta chỉ học được một chút xíu như hạt cát giữa sa
mạc mà thôi. Còn lãnh hội của ngài Huyền Trang là lãnh hội rất sâu, tinh tế và
đích thực là cái nhìn triết học Phật học.
Nhưng ở đây chúng
ta chỉ nói đến tinh thần tu học. Sở dĩ Ngài đi được là Ngài có quyết chí, có được
sức gia hộ và nhân duyên tốt đẹp trong hành trình gian nan của Ngài, bởi vì
sao? Bởi vì đi qua sa mạc toàn cát không. Quý vị sẽ học tới theo bước chân của
Ngài trong những giờ học thì quý vị sẽ thấy nếu người không có quyết tâm thì sẽ
không bao giờ đi được.
Cho nên ở đây nói
là gì? Chúng ta muốn tu học tới nơi tới chốn đều phải quyết tâm như thế. Ngài
đi rất là gian nan khổ cực. Mình bây giờ chỉ là thừa hưởng những thành quả tốt
đẹp của Ngài mà thôi. Mình tu có cực khổ một chút cũng đâu xá gì. Như vậy có
nghĩa là lời giới thiệu sơ nói đơn giản về cuộc đời tấm gương của ngài Huyền
Trang.
Bao
giờ đọc lại những chuyện Ngài tôi vẫn thấy cái gì đó thán phục và mong ước là
tu học làm sao có được một tinh thần như Ngài,
tu học được như Ngài. Tu cũng là rất hết lòng mà học hỏi, nghiên cứu thì cũng là
rất hết lòng.
Quý
vị có thể đặt câu hỏi là ngài Huyền Trang tu theo pháp môn nào? Khi đi đường Ngài
chỉ niệm Tâm kinh, niệm Bát Nhã. Và khi trở về nước thì thời khóa biểu của Ngài
là, mỗi sáng trước khi dịch thuật Ngài đều ngồi thiền, buổi khuya Ngài đã dậy
ngồi thiền và trong khi ngồi thiền tâm tư hết sức tĩnh lặng, thì tất nhiên tất
cả các ý nghĩa thâm áo Phật pháp hiện ra một cách rõ ràng. Cho nên Ngài đọc một
bản kinh Ngài nhìn chữ Phạn đó mà dịch qua Trung Hoa thì Ngài biết được ý nghĩa
đích thực và chính xác của nó để dịch, có nghĩa là Ngài sẽ không bao giờ sai sót.
Mà không phải một mình Ngài, dịch trường chắc hẳn đã có nhiều đệ tử, có nhiều
người giỏi chữ Phạn. Người ta sẽ cầm một bản kinh ra, bên này sẽ đọc âm tiếng
Phạn, bên kia sẽ đọc tiếng Trung Hoa và sẽ viết ra. Ngài chỉ là người kiểm soát,
sẽ có một số bản dịch Ngài kiểm soát. Nhưng đối với bộ Đại Bát Nhã thì đích thân
Ngài dịch vào những năm cuối đời gần tịch, Ngài biết sức của mình không còn bao
nhiêu mà hoài bão của Ngài là muốn giới thiệu tinh thần cho đại chúng, tăng chúng
của Trung Hoa. Nếu không dịch kinh này thì ngoài Ngài ra, tất nhiên là phải am
hiểu Phật pháp sâu xa, ngoài mình ra thì e người sau không đủ sức cho nên Ngài
cố công dịch bài Bát Nhã này. Và đến quyển cuối cùng cũng là quyển mà Ngài biết
sức của mình sắp sửa chấm dứt, hơi thở của mình cũng không còn bao nhiêu. Ngài đã
làm việc từ sáng cho tới khuya. Xong thì buông bút nghỉ ngơi sáng dậy ngồi thiền,
tức nhiên là một cuộc đời miệt mài vô cùng. Cho nên mình đọc rồi thấy rằng quả
thật Phật pháp có những bậc hết lòng như vậy. Nên chúng ta mới có được những
kho tàng có được nguồn giáo lý mà bây giờ chúng ta không thể nào xưng tán được.
Chỉ có một điều là chúng ta là những người chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Chúng
ta học Phật qua những trang kinh Hán văn, chúng ta học tinh thần Đại thừa của các
vị Tổ sư truyền dạy lại, thâm nhập trong tinh thần của mình. Mỗi Tăng Ni sinh cũng chịu ảnh hưởng đó, cho nên suy
nghĩ nhận thức của mình thấm nhuần tư tưởng Đại thừa.
Bây giờ có những Tăng
Ni sinh đi Ấn Độ du học thuật lại thế này. Tăng Ni sinh được đào tạo tại các
trường Việt Nam qua Ấn Độ học để theo chương trình học Cao học lên Tiến sĩ. Các
vị đó học với những vị thầy Giáo sư người Ấn, chương trình rất nặng nhưng nặng
về ngoại ngữ, còn về tinh túy Phật học thì Tăng Ni sinh Việt Nam rất là giỏi,
nên khi tiếp thu rất mau hiểu, vì mình có căn bản rồi, mình chỉ cần học giỏi
Anh văn để viết những điều đó thôi. Có những điều Giáo sư người Ấn còn chưa biết
hết, chưa hiểu hết mà Tăng Ni sinh Việt Nam đã được học hết, được chuẩn bị kỹ từ
quê nhà. Nói điều này để quý vị thấy nền Phật học của mình là nền Phật học rất
giỏi và tốt.
Ngay cả quý vị ở
đây cũng vậy. Tuy học ít nhưng học cái gì có căn bản cái đó. Nắm hiểu rõ ràng
sâu cái chìa khóa tinh thần của môn Phật học đó. Tất cả những điều chúng ta học
ở đây, ngay hiện tại của cả Tăng Ni Việt Nam được thừa hưởng hiện tại phải nói
là nhờ công ơn của ngài Huyền Trang rất là nhiều. Bởi vì triết học Phật học và
tinh thần Phật học Đại thừa nằm trong bộ Bát Nhã, Duy thức, Trung luận, và
Trung luận thì đã có ngài La-thập dịch rồi. Có nghĩa là những điều thâm sâu khó
hiểu đã được dịch sang tiếng Trung Hoa. Bây giờ chỉ cần giỏi tiếng Hán để đọc
và dịch và dĩ nhiên là chúng ta đã thành tựu.
Đó
là ơn rất lớn của các Ngài, vì mình không giỏi tiếng Phạn. Và những người giỏi
tiếng Phạn bây giờ rất ít người hiểu được tinh thần đó, đọc được nguyên bản đó,
còn những người khác kể cả sinh viên Ấn Độ, người Ấn cũng không hiểu được tinh
thần Phật học Đại thừa bằng Tăng Ni Việt Nam, bằng những người Việt Nam. Vì sao
tôi nói điều này, vì chúng ta ở trong một nước thấm nhuần tinh thần Đại thừa, được
học, được nghiên cứu, giảng dạy tự nhiên nó được
ăn sâu vào trong, mình không thấy nó ăn sâu hồi nào, nhưng tận trong cùng của mình
những suy tư này kia cách ăn nói bộc lộ nó mang tính cách đó.
Ví dụ, nói ngay
tính chất các pháp tính chất duyên khởi chẳng hạn. Mình biết các pháp do nhân
duyên, chỉ cần một cái biết đơn giản như vậy thôi. Mình biết cái này do duyên
hơn nên không cố định, cái này kết hợp với cái kia cho ra một nhân duyên như thế.
Nhân duyên nó có khi được có khi mất có khi thành có khi bại. Mình biết tính chất
nhân duyên. Mình nói không phải lý luận này kia, mà mình nói để biết mọi thứ nó
chỉ tàm tạm như thế. Đâu có gì cố định chắc đâu mà chấp chi cho mệt. Như vậy
chúng ta đã sống với tinh thần Bát Nhã, tinh thần tánh Không duyên khởi. Tuy là
phải lấy danh từ để giải thích nhưng mà mình thấy mình học được tu được và đó
là cốt lõi hệ thống triết lý mà chính ngài Huyền Trang đã dịch và trao truyền
cho chúng ta. Tôi chưa nói tới phần Tạng thức, A-lại-da thức hay thất thức, chỉ
nói về tánh Không duyên khởi, chỉ nói về phần mà mọi pháp đều do duyên hợp. Cho
nên có duyên thì cái này hợp cái kia, có duyên thì chúng ta được thành tựu như
thế, không đủ duyên thì mọi thứ sẽ rắc rối như thế nào. Mọi thứ đều do duyên,
cho nên mình khỏe. Đó cũng là một cách tu, một cách giải quyết bớt những vọng
tưởng, những phiền não của mình, mình sẽ không bận tâm khổ sở gì nhiều.
Chỉ với tinh thần
đó sự truyền đạt, dịch thuật giảng dạy từ thời ngài Huyền Trang cho tới bây giờ
thì quý vị thấy ảnh hưởng rất lớn của nó. Ảnh hưởng đó rất quan trọng chớ không
đơn giản. Tôi chỉ gợi ý như vậy thôi, mong rằng quý vị khi học sẽ thấy được
tinh thần đó, sẽ theo dõi được bước chân Ngài.
Và
hai điều chúng ta phải lưu ý. Đó là sức gia hộ, hình như giữa một cơn rất nguy
hiểm thập tử nhất sinh Ngài đều có sức gia hộ, sức gia hộ đó là gì? Đó là sức
tu tích từ thời quá khứ cho đến giờ chớ không
phải giờ, thì phải hiểu như vậy. Có khi đi một đoàn với Ngài qua dãy núi tuyết,
người ta chết gần hết chỉ còn mấy thầy trò, thì phải biết khó khăn vô cùng.
Thứ nhất là phải có
sức gia hộ, thứ hai là phải có lòng tin tưởng vào Phật pháp. Với hai tinh thần
này quý vị sẽ hiểu được cuộc đời và con người của ngài Huyền Trang. Bài học đó
quý vị sẽ học cho chính mình. Áp dụng cho chính mình. Ai cũng mong muốn được sức
gia hộ, nhưng muốn được sức gia hộ trước hết mình phải như thế nào. Mình muốn
được sức gia hộ trước hết phải gia hộ cho người khác, mình phải tử tế với người
khác. Gia hộ cho người khác có nghĩa là gì, ở đây chúng ta mở rộng lòng ra
thương yêu, gia hộ giúp đỡ cho người khác có nghĩa là mình đã gia hộ cho người
bạn của mình. Từ sức gia hộ đó mình sẽ nhận được sức gia hộ của chư Phật, đó là
điều thứ nhất.
Thứ hai là mình phải
quyết chí, nghĩa là coi mạng mình, thân mình, con người mình nó không đáng trọng
mình chỉ đem thân tứ đại tạm bợ này đi học Phật pháp. Phật pháp là một điều
đáng quý trọng, còn thân mình có thể hy sinh, hy sinh cái ta của mình để cho Phật
pháp của mình chói rạng hơn. Thì cái đó là cái mà chúng tôi nghĩ rằng đó là ý
nghĩa đích thật.
Tôi nghĩ như vậy,
chia sẻ cùng quý vị và truyền kinh nghiệm đó cho quý vị để chúng ta có thể học
những giờ học của ngài Huyền Trang thú vị và lợi ích hơn.
Mạnh xuân 2007
Như Đức