DBHT- Phần II - 1a- Trường An -Tần Châu - Lan Châu - Lương Châu


Cổng Khai Viễn開遠 phía Tây là nơi ngài Huyền Trang từ giã Trường An, bắt đầu chuyến Tây du.

bản đồ Tây An thuộc tỉnh Thiểm tây
Sử ghi tháng tám niên hiệu Trinh Quán thứ ba (629), bấy giờ Pháp sư 26 tuổi. Có tài liệu thì nói năm 627, cũng có chỗ nói Ngài 32 tuổi! Cách nhau vài mươi năm trong trùng trùng của ngàn ngàn năm lịch sử chắc cũng chấp nhận được!
Tây An

Tây An西安 Xi’an ngày nay, thời xưa gọi là Trường An hay Kinh Triệu京兆 thuộc tỉnh Thiểm Tây陕西. Tây An ở trung bộ bình nguyên Quan Trung. Các binh gia đều tranh đất bình nguyên Quan Trung vì bốn phía đều có cửa ải. Phía Tây có Tản Quan散關, phía Đông có Hàm Cốc Quan函谷關, phía Nam có Vũ Quan武關, phía Bắc có Tiêu Quan蕭關. Lại thêm cao nguyên Thiểm Bắc và dãy Tần Lĩnh hai bên làm bình phong thiên nhiên. Quan Trung lấy ý là ải quan ở giữa.

Tây An là một trong 4 kinh đô trong lịch sử Trung Hoa, là kinh đô của 13 triều đại: nhà Chu, nhà Tần, nhà Hán và nhà Đường… Tây An cũng là điểm kết thúc phía Đông của Con đường tơ lụa năm xưa. Thành phố có lịch sử hơn 3100 năm với tên gọi trong thời đấy Trường An (Trường An có nghĩa là “muôn đời bình yên”).
Từ Trường An, Huyền Trang đi dọc theo sông Vị 
Sông Vị渭河 Wei He dài 818 km, là chi lưu lớn của sông Hoàng Hà, phát nguyên từ núi Ô Thử鸟鼠山, huyện Vị Nguyên渭源县, tỉnh Cam Túc. Nguồn sông cách Hoàng Hà tại Lan Châu khoảng 200km. Quách Phác郭璞 chú rằng: Do tích chim và chuột ở chung một hang mà đặt tên núi Ô Thử. Núi tại Lũng Tây, ở trên một cao nguyên cát vàng cuồn cuộn, nhân thiếu cây lớn để làm tổ, nên loài chim dùng hang chuột mà làm tổ, chuột nhờ chim cảnh báo khi đại bàng tấn công. Chuột ở trong hang, chim ở ngoài hang, mỗi loài tự kiếm sống, không giành lấn nhau.
dòng chảy của sông Vị

Sông Vị nhập vào sông Hoàng Hà tại huyện Đồng Quan潼關, tỉnh Thiểm Tây. Phía Đông lưu vực sông Vị là bình nguyên Quan Trung關中平原.
Trên con đường men theo sông Vị, lòng sông hẹp mà sâu, đi mãi về hướng Tây thì đến Tần Châu, thuộc Cam Túc
Đường đi từ Lan Chau đến Ngọc Môn quan - tư liệu DBHT

 ① → Tần Châu秦州, nay là Thiên Thủy (天水Tianshui)
Huyền Trang đi đến Tần Châu cùng với vị tăng tên Hiếu Đạt ở Tần Châu từng lên kinh đô học kinh Niết Bàn với Ngài. 
Tần Châu (Thiên Thuỷ) tại tỉnh Cam Túc

Cam Túc gọi tắt là Cam hay Lũng (), gọi theo tên cũ là Lũng Tây hay Lũng Hữu vì có núi Lũng ở phía đông Cam Túc. Tần Châu là đất ngày xưa nhà Chu phong cho Doanh Phi Tử, kiến lập thành chư hầu Tần Quốc. Nhà Tần mở rộng về phía Đông, cho đến khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu Trung nguyên về một mối. 
Hang động tại Mạch Tích Sơn

Ở Thiên Thủy (Thời Tây Hán, Thiên Thủy là huyện Thượng Khuê thuộc quận Lũng Tây (隴西 Longxi), có núi Mạch Tích麦積. Núi có tên Mạch Tích vì hình dáng giống như đụn rơm lúa mạch. Hang động Mạch Tích có những tác phẩm từ thời Nam Bắc Triều, Tùy, Đường, Ngũ Đại đến nhà Tống. Năm 402 có hai vị tăng là Thích Huyền Cao釋玄高 và Đàm Hoằng曇弘 ẩn cư tại đây, cùng với đệ tử khoảng 300 người.
Theo hướng Đông nam Thiên Thủy chừng 60km thì đến địa đầu phía Tây của dãy Tần Lĩnh秦嶺 (Dãy Tần Lĩnh thuộc tỉnh Thiểm Tây).

Tại Tần Châu, Huyền Trang nghỉ lại một đêm rồi lên đường. Khoảng 40km đến Lan Châu là huyện Du Trung (楡中Yuzhong), có một thuyết cho rằng Huyền Trang từng ở trấn Định Viễn thuộc huyện này mấy ngày trước khi đến Lan Châu.


② → Lan Châu (蘭州Lanzhou) xưa là huyện Kim Thành (金城Jincheng), thuộc Cam Túc (甘粛Gansu).
Lan Châu tại tỉnh Cam Túc

Tại Lan Châu, Ngài cũng chỉ nghỉ lại một đêm. Huyền Trang gặp một người giữ ngựa ở Lương Châu đang trên đường về Lương Châu, Ngài cùng đi với họ, lúc đó khoảng đầu tháng chín.
Thành phố Lan Châu nằm trong một khu thung lũng sông hẹp, bị bao bọc bởi những dãy núi cong làm cho nó thành nơi nhốt không khí, lại chịu bão cát từ sa mạc Gobi. Thành phố được gọi là Kim Thành vào thời xa xưa khi con đường tơ lụa đang phát triển.
Sầm Tham vịnh Ải Kim Thành: 
Cổ thú ỷ trùng hiểm,   古戍依重險     Lính thú xưa nương nơi hiểm trở 
Cao lâu tiếp ngũ lương,  高樓接五涼    Vọng gác lầu cao giáp Ngũ Lương 
Sơn căn bàn dịch đạo,  山跟蟠役道     Dọc chân núi quanh co đường lính 
Hà thủy tẩm thành tường   河水浸城墻  Nước sông Hoàng Hà thấm tường thành.
 (Ngũ Lương là đất Cam Túc, nhà Tây Lương định đô tại đây)
Đường đi bị chặn ngang bởi sông Hoàng Hà, đoạn này sông Hoàng Hà chảy từ phía Tây rồi rẽ ngoặt sang hướng Bắc, đoạn này lòng sông hẹp.  Huyền Trang qua sông Hoàng Hà đến Lương Châu. 
Hoàng Hà bắt nguồn từ dãy núi Côn Lôn ở phía Tây bắc tỉnh Thanh Hải, từ độ cao 4.500 m trong vùng lòng chảo Yekuzonglie nằm ở phía Bắc của dãy núi Bayankara (hay Ba Nhan Khách Lạp) trên cao nguyên Thanh Tạng.
Đoạn sông Hoàng Hà tại núi Bính Linh

Từ đầu nguồn của nó, con sông chảy theo hướng Nam, sau đó tạo ra một chỗ uốn cong về hướng Đông nam và sau đó lại chảy theo hướng Nam một lần nữa cho đến khi tới thành phố Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc, là nơi bắt đầu điểm uốn cong lớn về phía Bắc.
Ô Sao Lĩnh

Từ Lan Châu đi về phía Tây, có thể đoạn này thuộc núi Bính Linh炳靈 huyện Vĩnh Tĩnh永靖, phải lội qua sông Hoàng Hà, lên Ô Sao Lĩnh烏鞘 (Wushaolin) mới đặt chân lên được Hành lang Hà Tây河西走廊 (Hehsi Tsoulang). 
Hành lang Hà Tây
Hành lang Hà Tây (Hexi Corridor), hành lang dài khoảng 1200km, chiều ngang rộng hẹp không đều khoảng 100 km. Phía Đông bắt đầu từ dốc đứng bên sườn đồi Ô Sao Lĩnh烏鞘嶺 Wushaolin, phía Tây tới đồi nhỏ Ngọc Môn Quan玉門關 Yumenguan, biên giới Cam Túc và Tân Cương, Có nhiều ốc đảo được bao quanh bởi sa mạc Gobi kéo dài mênh mông. Hướng Nam và Bắc giới hạn giữa Nam Sơn (Kì Liên Sơn Qilian shan và A Nhĩ Kim Sơn阿爾金山) và Bắc Sơn (Mã Tông Sơn馬 鬃山, Hợp Lê Sơn合黎山 và Long Thủ Sơn龍首山), với vùng bán sa mạc Alashan. Chiều rộng từ vài dặm đến cả trăm dặm không đều. Nằm theo hướng Tây bắc - Đông nam hẹp và dài như một hành lang, và lại ở vị trí phía Tây sông Hoàng Hà, nên gọi là Hành lang Hà Tây hay Hành lang Cam Túc, âm Hán là Hà TâyTẩu Lang河西走廊. Từ thời Tây Hán, Trương Khiên khai thông được hành lang này. Hán Vũ Đế mở mang Hà Tây làm 4 quận Vũ Uy武 威, Trương Dịch張掖, Tửu Tuyền酒泉, Đôn Hoàng惇煌
Dãy Kì Liên
Cam Túc do Cam Châu甘州 (nay là Trương Dịch張掖) và Túc Châu肅州 (nay là Tửu Tuyền酒泉) gọi chung lại. Phía nam là dãy Kì Liên dài 800km, cao bốn năm ngàn mét, nên tuyết phủ quanh năm. Phía Bắc trừ một đoạn ngắn là núi non còn thì sa mạc mênh mông: sa mạc Tengger và sa mạc Badain Jaran. Hành lang Hà Tây do nguồn băng hà của dãy Kì Liên cung cấp nước. Ba sông Thạch Dương Hà石羊河, Hắc Hà黑 河 Heiha (tức Nhược Thủy 弱 水) và Sơ Lặc疏勒 cũng đều bắt nguồn từ băng hà của dãy Kì Liên.

③ → Lương Châu涼州: Cô Tàng姑臧 nay là Vũ Uy (武威 Wuwei). Bắc Vũ Uy là sa mạc Tengger (Đằng-cách-lí sa mạc騰格里沙漠), phía Nam Vũ Uy là dãy Kì Liên Sơn (祁連山 Qilian shan) nằm từ Đông qua Tây.

Lương Châu là một đô thị lớn tại Hành lang Hà Tây. Huyền Trang đến Lương Châu khoảng tháng chín, Ngài lưu tại Cô Tàng một tháng, giảng Niết Bàn và Bát Nhã, vang danh một thời.
- Ðại Bát Nê Hoàn Kinh大般泥洹經, do ngài Pháp Hiển và Buddhabadhra đời Ðông Tấn (317-420) - Ma Ha Bát Nhã ba La Mật Đa Kinh摩訶般若波羅蜜經còn gọi là Tiểu Phẩm bát Nhã Kinh小品般若經, bản dịch Phạn-Hán của Pháp sư Cưu-ma-la-thập (343-413).
Lương Châu (Cô Tàng - Vũ Uy)
Cô Tàng là kinh đô các nước Tiền Lương (314-376), Hậu Lương (386-403), Nam Lương (397-411), Bắc Lương (397-439). Nhà Ngụy đặt là huyện Vũ Uy. Nhà Đường đổi là Lương Châu 涼州.
Mã trường tại Lôi Đài - Cô Tàng (Vũ Uy)
Lương Châu là một nơi chăn ngựa từ đời Hán, gọi là mã trường, nơi đây có đồng cỏ rộng lớn và nước được cung cấp từ dòng băng hà ở núi Kì Liên.
Mã đạp phi yến
 Tại Vũ Uy, người ta khai quật trong ngôi mộ cổ thời Đông Hán tại Lôi Đài雷台, một pho tượng bằng đồng “Mã đạp phi yến” 馬踏飛燕 nổi danh trên thế giới. “Mã đạp phi yến” còn gọi là “Mã siêu long tước”《馬超龍雀》 hay “Đồng bôn mã”《銅奔馬》.
Tại đây có tháp ngài Cưu-ma La-thập鳩摩羅什. Thời Lã Quang lập nên nhà Hậu Lương, ngài La-thập đã bị giữ tại đây 17 năm. Vì họ Lã không có tâm hoằng dương Phật pháp, nên ngài La-thập không thể hành đạo được, tuy rằng giáo đoàn Phật giáo vẫn có tại đất Lương Châu, và người Lương Châu rất tín phụng Phật giáo. Ngài Đàm Vô Sấm cũng từng ghé nơi đây học tiếng Hán để phiên dịch kinh điển.
Tháp Cưu-ma-la-thập tại Cô Tàng (Vũ Uy)

Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什 (344-413) Kumārajīva dịch là Đồng Thọ.
Tổ tiên người Thiên Trúc, mẹ ngài người Qui Tư. Ngài bảy tuổi xuất gia, đến Kế Tân (Kashmir) tu học, tại nước Kế Tân thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ rất thịnh hành.
Sau ba năm tu học tại Kế Tân ngài trở lại Qui Tư, trên đường về ghé qua Sơ Lặc (Kahsgar), ở lại đây một năm, ngài học thêm ngành thiên văn, toán và khoa học huyền bí. Trong năm này ngài học được giáo nghĩa Đại thừa. Từ đây ngài xiển dương Đại thừa.
Danh tiếng ngài vang xa đến Trung Quốc. Năm 383 Phù Kiên triều đại Tiền Tần, sai Lã Quang đến Qui Tư đưa ngài về. Khi Lã Quang đưa về tới Cô Tàng thì nghe tin Phù Kiên đã bị hại nên dừng lại Cô Tàng lập ra nhà Hậu Lương (386-401), giam giữ La-thập suốt 17 năm.Năm 401, vua Hậu Tần là Diêu Hưng, đem quân đến dẹp Lã Long và rước ngài về Trường An. Lấy lễ Quốc sư mà hậu đãi ngài. Vua thỉnh ngài dịch kinh điển và nhuận sắc những bộ kinh đã được dịch.Từ đây ngài chuyên về dịch kinh và giảng pháp. Ngài phiên dịch rất nhiều, nhất là về Tam Luận Tông: Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận. Hiện nay số lượng còn giữ trong Đại tạng là 55 bộ.Công lớn của ngài trước hết là thay đổi phương pháp phiên dịch. Bản thân Ngài nói được tiếng Trung Quốc và cộng sự viên cũng đều là người giỏi Phật giáo và Phạn ngữ. Cách dịch kinh của ngài như sau: giảng kinh hai lần bằng tiếng Trung Quốc, sau đó các tăng sĩ Trung Quốc thảo luận và viết lại bằng tiếng Hán. Sau đó ngài lại kiểm soát và so sánh nguyên bản cũng như bản dịch để ra bản chung quyết. Khác với các nhà dịch thuật khác tìm cách dịch từng chữ, ngài là người đưa được nội dung sâu xa của kinh sách vào chữ Hán.
Triệu Phác Sơ趙朴 lúc đến Vũ Uy có thơ rằng:
譯經存舌思羅什 Dịch kinh tồn thiệt tư la thập,
犯難之軀念奘公 Phạm nan chi khu niệm trang công
千古涼州豪傑地 Thiên cổ lương châu hào kiệt địa
故應天馬自西行 Cố ưng thiên mã tự tây hành
Dịch kinh nay lưỡi vẫn còn - nhớ La Thập.
Thân gặp khổ nạn, nghĩ tưởng Huyền Trang
Ngàn năm đất Lương Châu, hào kiệt.
Thế nên ruổi ngựa về hướng Tây.
La-thập là đại sư phiên dịch kinh điển, văn chương thông suốt, biểu đạt ý chuẩn xác. Ngài có phát nguyện, nếu những lời dịch không lầm, sau khi mất thiêu thân, lưỡi sẽ không hư hoại. Sau khi Ngài mất, quả nhiên như thế, nên câu thơ đầu Nhớ đến La thập dịch kinh còn để lại lưỡi là ý này. Thân gặp khó khăn nhớ Trang Công, là nói đến Huyền Trang, một mình ra đi đến Vũ Uy, theo con đường Hành lang Hà Tây, không ngừng bị phiền bởi quan phủ. 


Con đường Tây du đi giữa sa mạc và núi tuyết. Đây là con đường chính yếu qua Tây Vực, các danh tăng đem Phật giáo truyền vào Trung nguyên phải đi qua đây. Khi Trung nguyên đại loạn, các sĩ phu phần lớn đến đất này lánh nạn, do đó đất này trở thành nơi giao lưu văn hóa Đông Tây. Nơi đây các ngôn ngữ Ấn Độ, Trung Quốc và các miền Tây Vực đều thịnh hành. Nên các sa-môn từ Thiên Trúc đến ở lại nơi đây học tiếng Hán và ngược lại tăng nhân người Trung Quốc học tiếng Ấn, tiếng Tây Vực trước khi đi du phương cầu pháp. Lương Châu là đất đô hội của Hà Tây, khách buôn qua lại không dứt.
Vùng Lương Châu được rất nhiều thi nhân làm thơ nói về thời chinh nhân. Vương Hàn王翰 nổi tiếng với bài Lương Châu Từ涼州詞. Trong đó có nhắc đến từ “chén dạ quang” là một loại ngọc lấy ở núi Kì Liên.
涼州詞 LƯƠNG CHÂU TỪ (Vương Hàn)
葡萄美酒夜光杯 Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
欲飲琵琶馬上催 Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
醉臥沙場君莫笑 Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
古來征戰幾人回? Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?
Rượu bồ đào đựng chén dạ quang,
Muốn uống trong tiếng nhạc rộn vang,
Say trên sa mạc, đừng cười nhé,
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?
涼州歌 LƯƠNG CHÂU CA (khuyết danh)
平沙落日大荒西 Bình sa lạc nhật đại hoang tê,
隴上明星高複低 Lũng thượng minh tinh cao phức đê.
孤山幾處看烽火 Cô sơn kỷ xứ khan phong hỏa,
壯士連營候鼓鼙 Tráng sĩ liên doanh hậu cổ bề.
Ngày đã xuống phía Tây hoang sa mạc
Sao sáng lấp lánh trên đất Lũng
Núi trơ trọi nhìn phong hỏa đài
Nơi doanh trại, tráng sĩ chờ trống quân. 




Vị quan trấn thủ vùng này là Lý Đại Lượng, vâng lệnh vua không cho Ngài đi. Ngài phải lén đi ra khỏi Lương Châu, khi vị quan này biết được cho vệ binh đuổi theo. Ngài nhờ sự giúp đỡ của pháp sư Huệ Oai, Pháp sư cho hai đệ tử dẫn đường, ngày lẩn trốn sự truy tầm của quan thành Lương Châu, đêm mới dám đi, lặn lội gian nan trên Hành lang Hà Tây, dần qua các nơi.


Trương Dch張掖 Zhangye (Cam Châu甘州).
Dãy Kì Liên Sơn qua Trương Dịch

Nơi đây nhiều văn vật di tích (521 địa điểm). Có chùa Mã Đề馬蹄寺 là thắng tích của Phật giáo.
Trương Dịch phía Nam gối lên dãy Kì Liên Sơn, phía Bắc dựa núi Hợp Lê Sơn合黎山, Long Thủ Sơn龍首山, có sông Hắc Hà黑河 chảy xuyên suốt tạo nên một cảnh trí lục châu và hoang mạc, đất đai bằng phẳng, màu mỡ và núi tuyết, thảo nguyên, nước biếc, sa mạc phản chiếu vào nhau rất lý thú. Trương Dịch có một lịch sử lâu dài. Đó là từ thời dân du mục sinh sống. Thời đó thuộc đất Ung Châu雍州. Thời nhà Hạ, nhà Thương, thuộc đất của Khương Tộc. Thời nhà Chu, thuộc rợ Địch, rợ Nhung. Thời kỳ Xuân Thu, thuộc tộc Ô Tôn烏孙, Nguyệt Chi月氏. Thời Chiến Quốc, kiến lập thành ấp, xây dựng trường thành. Hiện nay Trương Dịch còn lại di chỉ trường thành nhà Tần. Về sau Ô Tôn bị dân tộc Nguyệt Chi đánh đuổi, nên chạy tới Y Lê伊犁 thuộc Tân Cương. Đô thành của Nguyệt Chi (nay là thành Vĩnh Cố永固 ở Dân Lạc民樂) cùng với thành Chiêu Vũ (nay là huyện Lâm Trạch臨澤), năm xưa hai bên bờ sông Hắc Hà黑河 là trung tâm phố thị.
Khoảng nhà Hán, đầu công nguyên, Hung Nô chiếm cứ nơi đây. Năm 121 trước công nguyên, Hán Vũ Đế phái Hoắc Khứ Bệnh tây chinh, sau đặt nơi đây là quận Trương Dịch.
Vì lấy thêm được đất của Hung nô nên đặt tên Trương Dịch lấy nơi ý “kéo cánh tay Trung quốc dài ra张中国之掖 ().

- Tu Tuyn酒泉 Jiuquan (Túc Châu粛州).
Tửu Tuyền ở phía Tây tỉnh Cam Túc, xưa gọi là Túc Châu, ở vị trí 39°46′Bắc, 98°34′Đông.
Ba đô thị Tửu Tuyền, Ngọc Môn, Đôn Hoàng và bốn huyện Kim Tháp, Túc Bắc, An Tây, A Khắc Tái đều bị Hung Nô hoành hành. Đến khi Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh霍去病 đánh đuổi được, thắng trận trở về Hán Vũ Đế ban ngự tửu riêng thưởng tướng quân. Hoắc đem rượu đổ vào trong suối để cùng với quân sĩ uống. Từ đó suối này được gọi là Tửu Tuyền. Tửu Tuyền trước kia tên là Kim Tuyền.

Trong lầu trống (Lầu trống xây dựng vào năm 346 thời Tiền Lương, ngoài thành phía đông có suối nước là Tửu Tuyền) của thành Tửu Tuyền, bốn bức vách có thư pháp khí thế :
Đông ngưỡng Hoa Nhạc東仰華嶽
Tây đạt Y Ngô西達伊吾
Nam vọng Kì Liên南望祁連
Bắc thông sa mạc.北通沙漠

Phía đông nhìn về Hoa Sơn
phía tây đến Y Ngô (Tân Cương)
phía nam nhìn dãy Kì Liên
phía bắc liền với sa mạc
Hứa Tôn Thuyên許孫荃, có bài thơ:
酒泉張掖近天山 Tửu tuyền trương dịch cận thiên sơn
大漢風雲指顧間 Đại hán phong vân chỉ cố gian
莫道行邊人萬理 Mạc đạo hành biên nhân vạn lý,
最西還有玉門關 Tối tây hoàn hữu ngọc môn quan.
Tửu Tuyền, Trương Dịch gần Thiên Sơn (chỉ núi Kì Liên Sơn)
Ngoái trông về gió mây nước Hán,
Chớ bảo người đến biên giới vạn dặm,
Xa tít hướng Tây còn có Ngọc Môn Quan.
Qua khỏi Trương Dịch, Tửu Tuyền đến Gia Dụ Quan嘉峪關 Jiayuguan, (cách Vũ Uy khoảng 300 cây số), Gia Dụ Quan ở vùng núi Gia Dụ phía Nam giáp Kì Liên Sơn.

Khi ngài Huyền Trang đi ngang thì chưa có Gia Dụ Quan như ngày nay. Nếu không còn phải tránh ải này chắc cam go hơn. Ngài chỉ từ đây đi tiếp đến An Tây 200 cây số! Không biết trải qua bao nhiêu ngày!


Truy cập