II.2.Hành Trình /3-Yên Kỳ đến Bạc Lộc Già


A KÌ NI阿耆尼- Karasahr (Skt. Agnideśa, Agni, Akni)
(Yên-kì焉耆 Yānqí, Ô-kỳ烏耆, Ô-di烏夷)

Đại Đường Tây Vực Ký ghi: Bốn phía bao bọc bởi núi non hiểm trở, hang sâu nước xiết, sông ngòi ao hồ, nhờ nước đó làm ruộng.

Vua và các đại thần ra ngoài thành nghênh đón, thỉnh Ngài vào thành để khoản đãi. Ngài dừng lại đây một đêm rồi đi.

Nơi đây có hơn mười ngôi chùa, tăng và tín đồ có hơn hai ngàn người, theo Tiểu thừa Nhất thiết Hữu bộ.

Tượng Phật theo phong cách Kiền-đà-la.
Tượng Phật theo phong cách Kiền-đà-la
Có một dòng sông chảy qua Yên-kì, đó là sông Lưu Sa. Mùa nước lớn, dòng sông sóng cuồn cuộn đã từng làm biến mất cả thành phố trong biển nước. Truyện Tây Du Ký hồi 22 có nhắc đến con sông nguy hiểm này. Truyện kể rằng: Tiếng sóng vỗ tựa non, nước dâng như núi. Cạnh bờ sông có bia khắc ba chữ “Lưu Sa Hà”, ở giữa bia khắc bốn câu:
八百流沙界 Bát bách lưu sa giới               Lưu Sa tám trăm rộng
三千弱水深 Tam thiên nhược thủy thâm     Nhược Thủy sâu ba nghìn
鵝毛飄不起 Nga mao phiêu bất khởi          Lông ngan không nổi được
蘆花定底沉 Lô hoa định để trầm                Hoa lau cũng phải chìm.


Hậu Hán Thư quyển 88 phần Tây Vực Truyện ghi: “其國四面有大山, 與龜茲相連,道險厄易守. 有海水曲入四山之內... (Yên-kì bốn mặt là núi, tiếp giáp với nước Qui Tư, đường đi hiểm trở, có biển, ra vào chỉ toàn là núi)
Nơi đây theo “Đại Đường Tây Vực Ký” có hàng chục ngôi chùa, tượng Phật theo phong cách nghệ thuật Kiền-đà-la.


Rời Yên-kì đoàn đi về hướng Tây Nam, qua một ngọn núi nhỏ Kuruktag (Khố-lỗ-khắc-tháp-cách庫魯克塔格), vượt sông Kaidu (Khai Đô開都) và sông Konqi (Khổng Tước孔雀), qua Thiết Môn Quan鐵門關, qua đồng bằng Korla (Khố-nhĩ-lặc庫爾勒), đến kinh đô Kucha (Khố-xa).

Từ Korla đến Khố-xa dọc chân núi Nam Thiên Sơn, một bên là dư thế của Thiên Sơn không cao lắm, một bên là vùng đất rộng chạy thẳng đến bờ sông Tarim (Tháp-lí-mộc塔里木).

Sông Khai Đô là sông Lưu Sa chạy qua huyện Yên-kì. Dưới lòng sông có một lớp cát dày hơn 100m do đó có tên Lưu Sa Hà流沙河 - cát chảy. Sông Khai Đô chảy về hồ Bosten (Bác-tư-đằng博斯騰), nước từ hồ chảy ra sông Khổng Tước孔雀 tới hồ La-bố-bặc羅布泊 (Lop Nor).
Sông Khổng Tước孔雀河 khởi nguyên từ hồ Bosten (Bác-tư-đằng博斯腾), chảy qua khe núi Thiết Môn Quan, qua Korla (Khố-nhĩ-lặc库尔勒).
Sông Khổng Tước dài 785km, nước sông bốn mùa không cạn, lưu lượng ổn định.
Hồ Bosten (Bác-tư-đằng)
Hồ Bosten (Hồ Bác-tư-đằng博斯騰湖) vị trí 42°00′Bắc, 87°00′Đông cách Korla 57km về phía Đông bắc.
Nguồn nước từ núi đổ ra hồ Bosten. Hồ Bosten là hồ nước ngọt nội địa lớn nhất Tân Cương, nằm ở độ cao 1048m. Hồ rộng 980m vuông.

Yên-kì (A-kì-ni) cổ đại dọc biên giới Đông bắc của lòng chảo Tarim (lòng chảo Tarim từ biên giới phía tây Tolophan dọc Nam núi Thiên Sơn).
Thung lũng Tarim (Tháp-lí-mộc塔里木) nằm giữa Thiên Sơn天山, Côn Luân崑崙山 và A-nhĩ-kim sơn阿爾金山. Đông tây dài 1500km, Nam bắc khoảng 600km. Cao độ từ 800 đến 1300m, địa thế phía Tây cao, phía Đông thấp. Ở giữa thung lũng là sa mạc nổi danh Taklamakan (Tháp-khắc-lạp-mã-can塔克拉瑪干). Bên rìa là chân núi, sa mạc và lục châu.

Lòng chảo Tarim
Sa mạc Taklamakan trong lòng chảo Tarim

Hồ Lop Nur/ Lop Nor/ Lou-lan Hai/ Lob-nor/ Yen-tse (La-bố-bặc羅布泊) vị trí 40.5°Bắc 90.5°Đông. Lop Nur là hồ nước mặn, ở cuối Đông của lòng chảo Tarim, sông Tarim tận cùng nơi đó. Tuyết từ ngọn núi cao tan ra chảy xuống thung lũng, tạo thành một dòng sông, nhưng không bao giờ đi tới biển, nó kết thúc tại lòng chảo Tarim. Giữa sa mạc nó nuôi sống ốc đảo, cung cấp nước cho nền nông nghiệp, và đôi khi nó trở thành hồ nước mặn (salt lakes) và đầm lầy nơi nó biến mất.
Đây chỉ là đi bên rìa của sa mạc cũng quá mênh mông cát

Sa mạc Taklamakan (Taklimakan, Tháp-khắc-lạp-mã-can塔克拉瑪干) là một sa mạc vùng Trung Á, nằm ở Tân Cương (Xinjiang Uyghur), nó là sa mạc chỉ có cát, lớn nhất trên thế giới. Taklamakan có nghĩa là “Nếu bạn vào, bạn sẽ không thể trở ra”, hoặc có nghĩa “Sa mạc của sự chết” hay “Nơi chốn không thể trở lại”. Nó bao phủ một vùng rộng lớn với diện tích 270.000 km² của lòng chảo Tarim (Tarim basin), kéo dài khoảng từ kinh tuyến 78° đến 88° Đông và chiều rộng từ vĩ tuyến 37° đến 40° Bắc. Hai tuyến đi nam bắc của con đường tơ lụa ở hai rìa của nó.

Những thành phố ốc đảo ở Tây bắc sa mạc là Kashgar, Yarkand, và Khotan; ở phía Bắc là Kuqa và Turfan; phía Đông là Loulan (Lâu Lan) và Dunhuang (Đôn Hoàng).

KUCHA (Khố-xa庫車 Kuqa; Khuất-chi窟支; Qui Tư
)
Kucha/Kuçar/Kuchar/ thời cổ tên屈支, 屈茨/ Qui Tư龜玆; Khâu Tư丘玆 (pinyin: Kùchē. roman: Chiu-tzu, Kiu-che, Kuei-tzu).

Vị trí 41°39′ Bắc, 82°54′ Đông, là một vương quốc Phật giáo cổ xưa trên con đường tơ lụa.

Tại Khố-xa Phật giáo rất hưng thạnh, chùa có hơn một trăm ngôi, tăng đồ năm ngàn người, theo thuyết Nhất thiết Hữu bộ, kinh giáo luật nghi lấy từ Ấn Độ. 

Khi Ngài đến, có tỳ-kheo Mokshagupta (Mộc-xoa Cúc-đa木叉菊多) ra đón. Ngài ở lại nơi đây 60 ngày, thường cùng đàm đạo bàn bạc Phật pháp và học hỏi với Mộc-xoa-cúc-đa. Mộc-xoa-cúcđa rất thán phục tài trí của Huyền Trang. Lúc rảnh rang ngài Huyền Trang hỏi thăm tình hình Ấn Độ.

Tại Khố-xa có chùa Tô-ba-thập, là ngôi đại tự Tước Ly nổi tiếng. Năm đó Phật pháp thịnh hành, rất có ảnh hưởng với Trung nguyên. Huyền Trang thường lưu tại chùa này.

Khi giã biệt lên đường, vua Khuất Chi cùng triều thần, tăng tục đều tiễn Ngài đi.
Khố-xa (Qui Tư) đến Thiên Sơn- Tư liệu DBHT-Viên Chiếu

Khố-xa ở chân núi nam Thiên Sơn
Khố-xa ở chân núi nam Thiên Sơn, men theo phía Bắc thung lũng Tarim (Tháp-lí-mộc bồn địa塔里木盆地), Tân Cương ngày nay. Nằm phía Đông Akhắc-tô阿克苏, phía Tây giáp huyện Tân Hoà新和, Sa Nhã沙雅. Khí hậu bình thường khoảng 11, ít có tuyết. Nhà Đường đặt An Tây đô hộ phủ tại Qui Tư.
Khố-xa hiện nay là góc Tây bắc của thủ phủ Qui Tư cổ đại. Đời Hán gọi là Diên Thành. Đời Đường thủ phủ Qui Tư là thành Y La Lô. 
Nơi đây vốn là điểm trọng yếu trên con đường tơ lụa (絲綢之路). Đời Hán, Qui Tư bao gồm sáu huyện ngày nay: Luân Đài輪臺, Khố-xa庫車, Sa Nhã沙雅, Bái Thành, A-khắc-tô (阿克蘇Aksu), và Tân Hoà 新和. Trong đó, Khố-xa là trung tâm. Qui Tư là một nước lớn trong 50 nước ở Tây Vực, thứ nhất là Ô-tôn烏孫, kế là Đại Oản大惌 rồi đến Qui Tư.

Đây là quê hương của ngài Cưu-ma-la-thập vào thế kỷ thứ IV. Thân mẫu Ngài là em gái vua nước Qui Tư. Năm 384 Lã Quang đánh Qui Tư đón ngài La-thập về Cô-tàng (Cam Túc).
Khố-xa có Thiên Phật Động ở Khắc-tư-nhĩ克孜爾, nơi này có tượng đồng ngài Cưu-ma-la-thập.

Tượng đồng Cưu-ma-la-thập tại Thiên Phật Động
Di chỉ chùa Tô-ba-thập tại Khố-xa
Di chỉ chùa Tô-ba-thập tại Khố-xa
Sầm Tham岑參:
北風卷地白草折 Bắc phong quyển địa bạch thảo triết,
胡天八月即飛雪 Hồ thiên bát nguyệt tức phi tuyết.
忽如一夜春風來 Hốt như nhất dạ xuân phong lai,
千樹萬樹梨花開 Thiên thụ vạn thụ lê hoa khai
Gió bấc thổi rạp ngọn bạch thảo,
Tháng tám trời Hồ thấy tuyết bay,
Chợt bỗng một đêm gió xuân đến,
Ngàn cây trăm cây hoa Lê nở.

Đi được hai ngày gặp một đoàn cả ngàn kỵ mã như cuồng phong xông đến. Đoàn kỵ mã này vốn vừa cướp lương thực của Đột Quyết xong, vì phân chia không đều nên tranh nhau mà tự tan rã. Ngài Huyền Trang nhờ vậy bình yên thoát nạn.


BẠC LỘC GIÀ跋祿迦國 (nay là A-khắc-tô阿克蘇Aksu, xưa gọi là Cô Mặc姑墨) (tiếng Sanskrit là Bharuka).
Thoát được nạn của bọn cướp, Ngài đi khoảng 600 dặm qua những bãi sa mạc đến nước Baluka (Bạc-lộc-già), nghỉ lại một đêm.
Nước này thời tiết phong tục điều hòa, chữ viết như nước Quật Chi, ngôn ngữ có khác chút ít. Vương quốc này sản xuất bông vải đẹp. Chùa viện có hơn mười ngôi, tăng đồ hơn một ngàn người, theo Tiểu thừa Nhất thiết Hữu bộ.

Aksu (A-khắc-tô)
Aksu (A-khắc-tô) là một ốc đảo nằm dọc theo hai bên bờ sông Aksu. Aksu vị trí từ vĩ tuyến 39°30′ đến 42°41′ Bắc, kinh tuyến 78°03′ đến 84°07′ Đông,

Thời Hán được biết dưới tên Cô Mặc姑墨 Gumo, là điểm dừng trọng yếu trên con đường tơ lụa. 
Thời Huyền Trang được biết dưới tên Bạc-lộc-già (Baluka) là một vương quốc.
Vương quốc này phía Tây nam ở cạnh Ca-thập (Kashgar). Phía Đông cạnh Khố-xa (Kucha), qua sa mạc về hướng Nam là Vu Điền (Khotan).

 A-khắc-tô cảnh quan kì đặc với “nhất phong - nhất mạc - nhất hà”
- Đỉnh Pobeda 7439m (Thác-mộc-nhĩ托木尔) cao nhất của dãy Thiên Sơn)
- Đại sa mạc Taklamakan (Tháp-khắc-lạp-mã-can塔克拉玛干),
- Sông Tarim (Tháp-lí-mộc塔里木).
Đỉnh Pobeda 7439m
 Đại sa mạc Taklamakan
Đại sa mạc Taklamakan
Bên bờ sông Tarim (Tháp-lí-mộc)


Đi hướng về Tây 300 dặm đến Lăng Sơn凌山.

Đường vào hành lang Torgut để vượt Lăng Sơn


Từ Khố-xa (Khuất-chi) đi về phía Tây phải vượt qua Lăng Sơn凌山 (Lăng Sơn có nghĩa là đỉnh núi tận trời xanh), núi này quanh năm băng tuyết phong tỏa, có khi băng tan nhưng tan ra gặp lạnh đông lại tức khắc, chỉ có cuối hạ mới thông đường cho vượt núi. 

Lăng Sơn, thế núi hiểm nghèo, cao ngất đụng trời, đường núi gập ghềnh, gió lạnh khốc liệt, băng đóng đầy đường, tuyết thường sạt đổ. Người ta bảo rằng, qua đây không nên mặc y phục màu hồng, đừng đeo hồ lô, cũng không nên nói chuyện hay gây tiếng động lớn, nếu không sẽ khiến tuyết sụp lở雪崩 (lúc đó gọi là 暴龍bạo long - Long có nghĩa là khí thế của mạch núi), gió cuồng nổi lên, cát bay đá chạy, khó mà bảo toàn tính mạng.

Đoàn Huyền Trang ban ngày trèo băng đào đường mà đi, đêm nằm trên băng mà ngủ. Trải qua bảy ngày đêm mới ra được khỏi núi băng. Kiểm điểm lại đoàn, lúc ra khỏi Cao Xương, Ngài đem theo 4 đệ tử sa-di, nay chết hết hai người, tùy tùng chết 14 người, mất mát về ngựa còn nhiều hơn.

Đi trong đường núi hơn 400 dặm đến Đại Thanh Trì, còn có tên là Nhiệt Hải.

Lâm Tắc Từ có thơ rằng:
天山萬笏聳瓊瑤,
導我西行伴寂寥.
我與山靈相對笑,
滿頭晴雪共難消 .
Thiên sơn vạn hốt tủng quỳnh dao,     Chọc trời vạn hốt ngọc Thiên Sơn,
Đạo ngã tây hành bạn tịch liêu.          Đưa ta về Tây với tịch liêu.
Ngã dữ sơn linh tương đối tiếu,         Ta cùng núi Linh cười đối mặt,
Mãn đầu tình tuyết cộng nan tiêu.       Tuyết lạnh đầy đầu chẳng chịu tan.

Từ A-khắc-tô nhìn về hướng Bắc, sẽ thấy ngọn Hãn-đằng-cách-lí汗騰格里峰 (Khan Tengri)  ở biên giới, và ngọn cao chính của dãy Thiên Sơn là Thác-mộc-nhĩ托木爾峰 7443m.

Thiên Sơn天山 tiān shān, nằm ở phía Bắc và phía Tây của sa mạc Taklamakan. Về phía Nam, nó nối liền với dãy núi Pamir. Nó là một trong những dãy núi dài nhất ở Trung Á, kéo dài khoảng 2.800 km về phía Đông, tính từ Tashkent (Tháp-thập-can塔什干) ở Uzbekistan (Ô-tư-biệt-khắc-tư-thản烏玆別克斯坦).
Từ thời nhà Hán tới ngày nay, Thiên Sơn được coi là bao gồm cả Bogda Shan 博格達山và dãy núi Barkol巴里坤.
Hành lang Torugart (吐爾尕特山), nằm ở độ cao 3752m, nằm trên biên giới giữa Kyrgyzstan (Cát-nhĩ-cát-tư-tư-thản吉爾吉斯斯坦) và Tân Cương.
Dãy Thiên Sơn và hai đỉnh cao nhất về phía Bắc là Khan-Tegri và Pobeda
Đỉnh cao nhất của dãy núi Thiên Sơn là đỉnh Pobeda (Thác-mộc-nhĩ托木爾峰) với độ cao 7.439m (24.408 ft), và là đỉnh cao nhất ở Kyrgyzstan và nó nằm trên biên giới Trung Quốc, phía Đông nam hồ Issyk Kul (hồ Nhiệt Hải)

Đỉnh cao thứ hai của Thiên Sơn là đỉnh Khan Tengri (thần linh hồn), có độ cao 7.010m, nằm trên biên giới Kazakhstan-Kyrgyzstan. Hai đỉnh núi này được phân loại là hai đỉnh cao trên 7.000 m nằm cao nhất về phía Bắc của thế giới.
Đỉnh cao thứ hai Khan Tengri (Hãn-đằng-cách-lí)

Các con sông chính chảy trong khu vực Thiên Sơn là sông Syr-Darya (Tích nhĩ hà錫爾河), sông Ili (Y-lê伊犂) và sông Tarim (Tháp-lí-mộc塔里木).

Khi vượt qua dãy Thiên Sơn là ra khỏi biên giới Tân Cương (xem bản đồ bên trên sẽ thấy rõ). Từ đây bước chân ngài Huyền Trang bắt đầu đi trên xứ người, với ngôn ngữ hoàn toàn khác với tiếng Hán. Khó khăn về ngôn ngữ, phong tục và tập quán cùng với khí hậu nơi đất khách quê người, không làm chùn bước. Dù bao khó khăn, tâm Ngài không hề lay động.

(Kính mời quý bằng hữu xem tiếp  II.3 HÀNH TRÌNH QUA MIỀN TRUNG Á)

Truy cập