DBHT- Phần II – 1b- Qua Châu- Ngọc Môn Quan


④ → Qua Châu瓜州 (huyện An Tây安西Anxi)
Vùng đất này sản xuất nhiều loại dưa, quanh năm gió lộng.
Thích sử Cô Độc Đạt孤獨達 trấn nhậm Qua Châu, nghe Huyền Trang đến rất vui mừng, khoản đãi thâm hậu.

Hiện tại còn di chỉ thành Tỏa Dương鎖陽, căn cứ theo đây, năm đó có thể Huyền Trang đã giảng kinh tại nơi này.

Di chỉ thành Tỏa Dương, huyện An Tây, Cam Túc


Sầm Tham岑參 có thơ rằng:
一身從遠使 Nhất thân tùng viễn sứ,
万里向安西 Vạn lí hướng an tây.
漢月垂鄉淚 Hán nguyệt thùy hương lệ,
胡沙損馬蹄 Hồ sa tổn mã đề.
Một mình đi sứ xa,
Ngàn dặm về An Tây
Trăng Hán trên quê hương
Đất Hồ mỏi vó ngựa.
Huyền Trang đã dừng nơi đây nhiều ngày để hỏi đường, người ta bảo rằng đi về phía Bắc 50 dặm sẽ gặp sông Hồ Lô瓠蘆河 (nay là sông Quật Tát窟窿) nước chảy xiết, đáy sâu khôn dò. Trên sông có Ngọc Môn Quan. 
Được biết rằng ra khỏi Ngọc Môn Quan phía Tây bắc có năm phong hỏa đài, ngoài ra là vùng sa mạc không cỏ không nước dài 400 km, nhưng Ngài vẫn không sờn chí.

Thời bấy giờ từ Qua Châu đi qua Trung Á, có hai tuyến đường Nam Bắc.
Tuyến Nam (南路): Từ Qua Châu瓜州 đến Đôn Hoàng敦煌 ra Dương Quan陽關, đến Thiện Thiện鄯善 (nay là Nhược Khương若羌 thuộc Tân Cương新彊), Vu Điền 于闐 (nay là Hòa Điền和田), Sa-xa莎車, đi phía Tây thấu đến Thông Lĩnh葱嶺 và Trung Á中亞.
Tuyến Bắc (北路): Từ Qua Châu瓜州 đi hướng Tây bắc đến Y Ngô伊吾 (nay là Cáp-mật哈密 thuộc Tân Cương新彊), Cao Xương 高昌 (nay là Thổ-lỗ-phồn吐魯番), men theo chân núi phía nam Thiên Sơn天山 đi về hướng Tây, đến Qui Tư龜玆 (nay là Khố-xa庫車), Ôn Túc溫宿 (nay là Ô-thập烏什) qua Thông Lĩnh葱嶺.
Đương thời thương nhân đều đi tuyến Bắc, Huyền Trang lúc ấy quyết định theo tuyến Bắc ra khỏi cửa ải.


Hai vị tăng đưa đường từ biệt Ngài tại đây. Biết làm sao! Ngài đến trước tượng Di Lặc nguyện xin một người dẫn đường đưa qua các cửa ải. Vừa lúc có người Hồ tên Thạch Bàn Đà đến lễ Phật, xin thọ giới với Huyền Trang. Sau khi thọ giới, Bàn Đà cúng dường lễ vật, Huyền Trang nói ý định của mình. Bàn Đà nguyện đưa Huyền Trang qua các cửa ải. Huyền Trang rất vui mừng, chuẩn bị ngựa và vật dụng sắp đặt ngày khởi hành. 

Chiều tối ngày hôm sau, Bàn Đà đưa đến một vị trưởng lão người Hồ. Vị trưởng lão này rất rành đường về phía Tây, hơn ba mươi lần qua lại Y Ngô. 
Ông nói rằng: “Đường về phía Tây rất hiểm trở khó khăn, lành ít dữ nhiều, sa mạc ngút mắt, ma mị gió nóng, gặp không thoát được, người ta phải đi có đoàn mà còn lạc lối. Nay pháp sư một mình, sao có thể vượt qua được ư?” 
Huyền Trang đáp: “Bần đạo cầu pháp, phát nguyện Tây hành, nếu chẳng đến được nước Bà-la-môn, thệ chẳng trở về Đông. Nếu chẳng may bỏ thân dọc đường, cũng chẳng hề hối hận.” 
Trưởng lão thấy Huyền Trang đã quyết, đành đem con ngựa dâng cúng bảo với Huyền Trang rằng: “Ngài đã quyết đi, xin giữ lấy con ngựa này. Tuy con ngựa này vừa già vừa ốm nhưng nó khoẻ, dai sức và biết đường, nó từng qua lại Y Ngô hơn mười lăm lần. Còn ngựa của Ngài không quen và chẳng thể đi xa được”. 

Huyền Trang thấy con ngựa hồng, chợt nhớ đến lúc còn ở Tràng An gặp thuật sĩ Hà Hoằng Đạt có nói rằng: “Pháp sư đi chuyến này có thể thành công, sẽ có một con ngựa già sắc hồng…” nay trước mắt thấy con ngựa hồng, hợp với lời nói kia, nên cùng vị trưởng lão trao đổi ngựa và cung kính từ biệt nhau.
Ngay đêm đó Huyn Trang và Bàn Đà lên đường.



Dòng chảy sông Sơ Lặc 

Sông sơ Lặc疏勒 phát nguyên từ núi Kì Liên thuộc tỉnh Thanh Hải, chảy về hướng Tây bắc chuyển sang hướng Bắc vào Hành lang Hà Tây. Dòng chảy về hướng Bắc len lỏi qua giữa dãy Sơ Lặc Nam Sơn và dãy Thác Lai Nam Sơn托來南山, đoạn sông qua eo núi rất sâu. Hai bờ núi cao vót. Rồi chảy qua Xương Mã昌馬, trấn Ngọc Môn玉門, sau khi đến Ẩm Mã Trường飲馬場, bẻ ngoặt chảy theo hướng Tây, nhận nước của sông Đạp Thực踏實河, sông Đảng Hà党河 đổ vào hồ phía Tây bắc Đôn Hoàng. Phần nước còn lại cạn dần về biên giới phía Đông của Tân Cương.
Sông Sơ Lặc

Canh ba (12 giờ khuya), hai người đến bờ sông. Trong đêm xa xa đã thấy Ngọc Môn Quan玉門關, hai người chưa dám đến gần. Ven sông lặng ngắt, ngược dòng mười dặm, mặt nước rộng một trượng. Người Hồ chặt cây làm cầu, trải cỏ lên, dắt ngựa qua. Qua sông nằm nghỉ một chặp, Bàn Đà cầm dao đến gần Ngài, nhưng rồi lại trở về chỗ. Đến sáng, Bàn Đà đổi ý không đi nữa, yêu cầu Ngài trở lại. Nhưng chí Huyền Trang đã quyết. Cuối cùng hai người đành hai hướng, một đông một tây.

Đây là nạn thứ nhất Ngài gặp, nếu không đủ nhân duyên qua được, thì bước Huyền Trang còn đâu để dõi theo.

Từ đây Huyền Trang một mình một ngựa men theo bờ Nam sông Sơ Lặc疏肋 đến Ngọc Môn Quan玉門關.

黃沙磧里客行迷 Hoàng sa thích lí khách hành mê四望雲天直下低 Tứ vọng vân thiên trực hạ đê為言地盡天還盡 Vị ngôn địa tận thiên hoàn tận行到安西更向西 Hành đáo an tây cánh hướng tây.
Sa mạc cát vàng, khách đường mê,Trông xa mây trắng khắp bốn bềChớ bảo cuối chân trời hết lối, Đến được An Tây lại hướng Tây.
An Tây lại hướng tây với cát vàng mênh mông


⑤ → Ngọc Môn Quan (玉門關Yumenguan) và Ngũ Phong đài
Có tên Ngọc Môn vì đây là cửa vận chuyển ngọc từ Ba Tư vào. Qua khỏi Ngọc Môn Quan dọc tuyến Tây bắc còn qua 5 phong hỏa đài烽火台 (Phongđốt lửa làm hiệu), gần như 5 cửa ải có đồn canh, mỗi cái cách nhau chừng 100 dặm, chỉ có cạnh đồn mới có nước uống, quanh đó là sa mạc Mạc-hạ-diên莫賀延.

Thời cổ thi nhân hạ bút nói về Ngọc Môn quan đều mênh mông, xa xôi, mang âm hưởng hùng hồn bi tráng. Các nhà thơ nhắc đến Ngọc Môn Quan:

Lý Bạch李白
關山月 QUAN SƠN NGUYỆT TRĂNG NƠI QUAN SƠN
明月出天山 Minh nguyệt xuất thiên sơn   Trăng sáng trên dãy Thiên Sơn
蒼茫雲海間 Thương mang vân hải gian  Giữa trời mây mênh mông
長風幾萬里 Trường phong kỷ vạn lý       Gió qua bao vạn dặm,
吹度玉門關 Xuy độ ngọc môn quan       Thổi đến Ngọc Môn quan.

Vương Chi Hoán 王之煥:
出塞 XUẤT TÁI
黃河遠上白雲間   Hoàng hà viễn thượng bạch vân gian
一片孤城万仞山     Nhất phiến cô thành vạn nhẫn sơn,
羌笛何須怨楊柳   Khương địch hà tu oán dương liễu
春風不度玉門關    Xuân phong bất độ ngọc môn quan.
RA KHỎI CỬA ẢI
Sông Hoàng Hà trông xa tới tầng mây trắng
Một thành trơ trọi giữa núi cao
Tiếng sáo người Khương chứa chi lời ly biệt
Gió xuân chẳng tới Ngọc Môn Quan.

Vương Xương Linh 王昌齡 có thơ rằng:
玉門山障幾千重 Ngọc môn sơn chướng kỷ thiên trùng,
山南山北總是峰 Sơn nam sơn bắc tổng thị phong,
人依遠戌須看火 Nhân y viễn thú tu khán hoả,
馬踏深山不見蹤 Mã đạp thâm sơn bất kiến tung.
Núi che Ngọc Môn dầy mấy lớp
Ngọn Nam ngọn Bắc chót vót cao
Người dõi phương xa nhờ ánh lửa,
Ngựa dẫm núi sâu bặt dấu chân.

Một người một ngựa đi vào chốn mênh mông của sa mạc. Trên đường đi, Huyền Trang chỉ thấy xương trắng và phân ngựa, chỉ có mình đơn đơn độc độc mà đi. Chợt nhiên thấy xa xa có đoàn người ngựa cuồn cuộn, Huyền Trang cho là gặp giặc rồi. Đến gần không thấy, Ngài lại cho là yêu ma quỉ mị. Ngày nay thường nói “lầu sò chợ biển” trong sa mạc. Lúc đó Huyền Trang nghe tiếng “Đừng sợ! Đừng sợ!”, phút chốc bình tâm trở lại.
Sầm Tham岑參 có thơ rằng
走馬西來欲到天 Tẩu mã tây lai dục đáo thiên,
辭家見月兩回圓 Từ gia kiến nguyệt lưỡng hồi viên
今夜不知何處宿 Kim dạ bất tri hà xứ túc,
平沙万里絕人煙 Bình sa vạn lí tuyệt nhân yên.
Ruổi ngựa về tây muốn đến trời,Xa nhà trăng đã hai lần sáng, Đêm nay chẳng biết nơi nào nghỉ, Cát trải dặm ngàn không mái nhà.
Đi hơn tám mươi dặm, xa xa thấy phong hỏa đài thứ nhất. Hỏa đài thứ nhất có Hiệu úy Vương Tường, nghe danh Huyền Trang đã lâu, thấy đường nguy hiểm nên chỉ Ngài đến Đôn Hoàng tham học. Huyền Trang cho biết chí nguyện vì Phật pháp, thấy kinh điển chưa đủ, nghĩa còn khiếm khuyết nên phát nguyện đi tìm cầu pháp bảo. Vương Tường cảm động, mời Huyền Trang nghỉ lại một đêm. Sáng sớm hôm sau, khi dùng sáng xong, Vương Tường gọi người cung cấp cho Huyền Trang nước cùng lương khô, còn ông đích thân tiễn Huyền Trang mười dặm đường, và chỉ đường đi tắt đến hỏa đài thứ tư do Hiệu úy Vương Bá Lung giữ đài.

Chiều tối, khi tới dưới chân phong hỏa đài thứ tư, Huyền Trang định lấy nước rồi đi, nhưng bị phát giác đành gặp Bá Lung. Vương Bá Lung nhiệt tình đón tiếp, lưu giữ lại nghỉ ngơi. Ngoài lương khô và cỏ cho ngựa, Bá Lung còn biếu cho Ngài một túi lớn đựng đầy nước, và cho biết vị Hiệu úy hỏa đài thứ năm tánh tình thô bạo, khó lường được sự bất trắc nên chỉ đường đi tránh ngang qua hỏa đài này.


Phong hỏa đài

Ngày xưa phong hỏa đài được xây bằng đất sét, thân lau sậy và đá cuội. Ban đêm phát hiện có người thì đốt lửa. Ban ngày thì un khói làm tín hiệu.

Hỏa đài thứ nhất tại Bạch Đôn Tử白墩子
Hỏa đài thứ hai tại Hồng Liễu Viên紅柳園
Hỏa đài thứ ba tại Đại Tuyền大泉
Hỏa đài thứ tư tại Mã Liên Tỉnh馬蓮井
Hỏa đài thứ năm tại Tinh Tinh Hiệp星星峽



Từ hỏa đài thứ tư vòng về phía Tây bắc 200 dặm sẽ gặp suối Dã Mã (野馬大泉 Damadaquan) có nước uống, rồi vòng lên phía Tây để tránh hoả đài thứ năm. 

Ngài đi vào sa mạc Mạc-hạ-diên còn gọi là sa mạc Qua Bích戈璧 Gēbì, Sa mạc Gobi - thời đó người ta gọi đây là Sa Hà沙河 - con sông cát, nhìn chỉ thấy mịt mù trời và cát, trên không bóng chim bay dưới không bóng thú chạy.

Huyền Trang đi cả trăm dặm, tìm mãi không thấy suối Dã Mã, càng tìm càng kiếm càng chẳng thấy đường tắt, Ngài lạc lối trong sa mạc. Trên đường chỉ thầm niệm Tâm Kinh.

Miệng khát, thân mệt bèn xuống ngựa uống nước, lỡ tay rơi túi nước xuống sa mạc, của báu cho đường dài, nháy mắt tiêu tán. Chẳng biết làm sao! Muốn có nước phải quay lại phong hỏa đài thứ tư. Huyền Trang mới quay lại chừng mười dặm, nhớ lại lời thệ nguyện của chính mình: “Chẳng đến Thiên Trúc, tuyệt chẳng trở về Đông một bước” nay cớ sao quay lại! Chẳng thà tiến về Tây mà chết còn hơn trở về Đông mà sống. Huyền Trang lập tức quay ngựa tiến về hướng Tây bắc mà đi.

Sa mạc mông mênh, cát vàng lớp lớp, nhìn chỉ một bóng của mình, người thú đều không. Ban ngày gió cuồng cát chạy, trời nóng như nung. Ban đêm ma trơi ẩn hiện, trời lạnh thấu xương. Chí nguyện kiên cố, chỉ khổ vì không có nước. Đã bốn đêm năm ngày không một giọt nước, cổ họng khô bỏng gần như sắp chết, nằm quỵ trên sa mạc. Hơi thở yếu ớt, thầm niệm Quán Âm: “Huyền Trang đi chuyến này, chẳng cầu tài lợi, chẳng tham danh tiếng, chỉ vì cầu pháp vô thượng. Xin Bồ Tát giúp thoát khổ nạn”. Chỉ một lòng niệm niệm chẳng dừng, tâm tâm không đổi.

Đến nửa đêm ngày thứ năm, chợt nhiên có một luồng gió mát thổi đến, toàn thân như được tắm trong dòng nước mát. Huyền Trang mở mắt ra, thấy con ngựa già cũng đứng dậy, sức lực dần dần hồi phục. Mơ màng, Ngài mộng thấy vị thần cầm giáo đứng trước mặt nhắc Ngài lên đường. Huyền Trang vùng dậy lên đường. Đi được hơn mười dặm, con ngựa bỗng vùng chạy sang lối khác. Ngài biết nó đã nhận ra đường cũ. Đi chẳng xa, trước mắt như một giấc mơ - một vùng cỏ xanh tươi, và đầm nước trong lắng. Lâu trong cảnh khốn cùng, nay gặp cảnh cứu mạng, Huyền Trang chỉ còn biết cảm niệm Bồ tát và thần minh. Người và ngựa uống no nê. Nghỉ lại một đêm. Sức người sức ngựa hồi phục lại.

Đi trong hai ngày nữa thì tới Y Ngô.

Sa mạc Gobi
Sa mạc Gobi, Trung quốc gọi là Qua Bích戈壁 (tiếng Mông Cổ là “Говь”, có nghĩa là sa mạc), Trung quốc có những nghĩa: “瀚海沙漠” biển cát sa mạc hay sa mạc mênh mông, “戈壁滩 Qua Bích than = bãi cát”, “戈壁沙漠”.
Sa mạc Gobi bao quát mạch núi A-nhĩ thái sơn阿尔泰山脉 phía Đông nam, phía Tây là Đại Hưng An Lĩnh 大興安岭, phía Bắc là thảo nguyên Mông Cổ, phía Nam là cao nguyên Thanh Tạng青藏高原.
Gobi có nghĩa là rất rộng và khô. Gobi hơn 1600 km từ Tây nam đến Đông bắc, và 800 km từ Bắc tới Nam. Sa mạc rộng nhất về phía Tây, dọc theo con đường từ hồ Baghrash Kol tới hồ Lop Nor (87 – 89 kinh độ Đông). Phần lớn Gobi không phải là cát mà phủ bởi đá cạn (bare rock). Sa mạc Gobi là sa mạc lạnh, không phải là không thường thấy sương mù và đôi khi có tuyết trên những đụn cát. Hơn nữa, khá xa về phía Bắc, cao hơn mặt biển 900m, nhiệt độ thấp hơn.
Sa mạc Gobi nổi tiếng trong lịch sử phần lớn nhờ vào đế chế Mông cổ và là địa điểm của nhiều thành phố quan trọng trên con đường tơ lụa.

Người sau tìm về con đường Huyền Trang có thơ rằng:
大漠茫茫                  Đại mạc mang mang一望無際                  Nhất vọng vô tế一人行于天地之間   Nhất nhân hành vu thiên địa chi gian天地之間一人而已   Thiên địa chi gian nhất nhân nhi dĩ.
Sa mạc mang mang,Nhìn không bờ mé,Một người đi giữa đất trời,Giữa trời đất chỉ một người mà thôi.

Chấm trắng trên hình là Dã Mã Đại tuyền nằm giữa sa mạc - 
hình chụp từ vệ tinh.


Truy cập