Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Đôi lời


Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?

Nếu là một Đường Tam Tạng thì phải bắt đầu từ động Thủy Liêm theo chân Tôn Hành Giả, nhưng nếu theo dõi bước của Đường Huyền Trang thì bắt đầu từ Trường An vậy.

Dò theo bản đồ Trung Quốc hiện nay không thấy tên Trường An, tôi đã dùng một cái kính lúp có đèn để mong tìm ra một chấm nhỏ, mà không thấy. Mãi sau, hỏi thăm mới biết Trường An chính là Tây An hôm nay.

Trường An nay là thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây.

Có một nhà khảo cổ than rằng: “Thời gian năm tháng chẳng chút lưu tình”, đọc cảm khái làm sao với một người giở trang sử cũ. Chỉ với thời gian đôi mươi năm mà đường về đã không còn dấu vết, thì vài ngàn năm biết tìm thấy nơi nào!

Nhà Chu định đô ở Phong Cảo nội vi huyện Trường An. Mãi đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất dải đất Trung Nguyên, nhà Tần mới định đô ở Hàm Dương cách Trường An khoảng 20 km về phía Tây Bắc.

Kinh đô hoành tráng thế nào, chắc chúng ta không biết, mà cũng chưa nghĩ sẽ biết làm gì, nhưng khi nhà Tần về tay Hán Cao Tổ (Lưu Bang) thì cung A Phòng ở Hàm Dương bị đốt cháy, cháy suốt tháng trời!

Từ đó nhà Hán định đô ở Trường An.

Đến đời Hán Vũ Đế năm 140 trước công nguyên có các nhân tài nổi tiếng như: Đổng Trọng Thư, Tư Mã Tương Như, Lý Quảng, Hoắc Khứ Bệnh, Tư Mã Thiên, Trương Khiên, Tô Vũ đến đời Minh Đế có Ban Siêu… Trong số đó có Ban Siêu và Trương Khiên là những người tiên phong mở đường bang giao với Tây Vực. Hai vị đó và Lý Quảng, Tô Vũ là những nhân vật được nhắc đến nhiều trong ngữ lục. Sau này ngài Huyền Trang cất bước Tây du nhờ những con đường mòn hiểm trở đã được thông thương trước đó hơn 700 năm!

Nhắc đến Trương Khiên, sách “Ngụy Thư Thích lão Chí”có ghi rằng: “Đời Vũ Đế nhà Tiền Hán, có Trương Khiên phụng mệnh vua đi sứ sang nước Tây Vực về tâu rằng: “Bên nước Thân Độc (Ấn Độ) có đạo Phù Đồ (chỉ Phật giáo)…” Tuy rằng người sau không đồng ý thuyết này, nhưng nêu ra để thấy sự khai thông con đường tơ lụa giúp sự du nhập Phật giáo vào Trung Quốc dễ dàng hơn.

Cổng Khai Viễn của kinh đô Trường An năm mất mùa 629 chắc đã bị thời gian và không gian xóa lấp.

Cổng Khai Viễn bây giờ - chỉ mượn tạm một dấu tích trên địa lý để nói rằng ngày xưa chính nơi mảnh đất này ngài Huyền Trang đã cất bước Tây du. Hoặc giả cũng chính nơi đây các vị Cao tăng Tây Vực đã vượt ngàn dặm núi non sa mạc đem theo kinh điển đến, dịch từ Phạn ra Hán làm nền tảng cơ bản buổi ban đầu.

Qua cơn binh biến, pháp nạn, những bản kinh còn tồn lại gây những mối nghi không giải đáp được, nên bước Huyền Trang ghi dấu tìm về nguồn cội Thiên Trúc. Hiện nay có những bản kinh không còn bản Phạn, nhờ những bản dịch Hán còn để lại mới biết rằng có một bản kinh như thế. Cảm động làm sao khi mở những trang kinh cũ.

Trong tập sách nhỏ sơ lược này - một dấu tích nào đó trong khoảng đường được vẽ lại, nơi những con đường mòn nhỏ qua núi cao, qua rừng rậm, qua sông sâu như còn lưu bóng ngài An Thế Cao, La Thập, Đàm Vô Sấm... từ Tây Vực qua hắt trên bóng ngài Pháp Hiển, Huyền Trang từ Trường An về Thiên Trúc. Và nhất là còn đó một hình bóng được nhắc lại rằng “chỉ một mình và bóng của chính mình đổ xuống trên dặm đường sa mạc mênh mông về Tây”...


Cuối xuân 2007

Truy cập