Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

II-5-2 Đường về qua Tân Cương đến Tràng An


II-5-2- Đường về qua TÂN CƯƠNG:

1- Kabhada (Khiết-bàn-đà) → 2- Yarkand (Usa, Ô-sát) → 3- Kashgar (Khư-sa) → 4- Yecheng (Chước-cú-ca) → 5- Kustana (Khotan, Vu Điền) → 6- Qira (Bhima, Bễ-ma) → 7- Niya (Nê Nhưỡng) → 8- Tukhara cũ (Đổ-hóa-la) → 9- Thả Mạt (Chiết-ma-đà-na) → 10- Nhược Khương (Nạp-phược-ba).

Village mosque on road to Kashgar from the Torugart Pass
①→ Về phía Đông 500 dặm đến xứ Kabhada (Khiết-bàn-đà朅槃 ). Đô thành lưng dựa vào núi. Xứ này nhiều sông, sông này chảy về Đông vào các đầm nước mặn, thấm xuống đất lộ ra những tảng đá chất chồng, nên nói xứ này là nguồn của sông. Trong nước có mười ngôi chùa, tăng đồ khoảng năm trăm, tu học theo Nhất thiết Hữu bộ. Vua thuần hậu chất phác, kính tin Phật pháp. Dung mạo người dân giống như người Hán nhưng mặc y phục người Hồ. Huyền Trang lưu lại đây 20 ngày.

Khiết-bàn-đà nay là vùng Taxkogan (Tháp-thập- khố-nhĩ-can塔什库尓干), nằm giữa cao nguyên Pamir và dãy Kunlun (Côn Luân), thuộc tỉnh Tân Cương, thượng lưu sông Diệp Nhĩ Khương葉尓羌 (Yarkand). Đây là cửa khẩu trọng yếu của núi Thông Lĩnh.
Theo ĐĐTVK kể rằng, vua A Dục lên ngôi, cho lập tháp trong hoàng cung nước ấy. Thời đó có bốn vị luận sư nổi tiếng. Miền Đông có Mã Minh, miền Nam có Đề Bà, miền Tây có Long Thọ, miền Bắc có Đồng Thụ. Người đời tôn là “Tứ nhật chiếu thế” (bốn mặt trời soi chiếu trần gian). Khi vua Khiết-bàn-đà nghe danh liền cử binh đi đến Taxila (Đãn-xoa-thỉ-la) đón Đồng Thụ về lập chùa.
→ Đi tiếp về hướng Đông bắc 5 ngày thì gặp cướp, sau đó cùng nhau đi dần xuống hướng Đông, gặp ngọn đồi, chịu rét lạnh vượt dốc cao. Con voi của Ngài bị chết.

Kongur Muztagh Ata nhìn từ Karakorum
Vượt qua hai ngọn núi Muztagata (Mộ-sĩ-tháp-cách sơn慕士塔格山 Mùshìtǎgé Fēng) cao 7.586m và Kongur Shan (Công-cách-nhĩ sơn公格尓 ) cao 7.719m. Đây là hai ngọn núi cao nhất trên con đường Huyền Trang đã đi qua.
Muztagh Ata (Muztagata) là ngọn cao thứ hai của dãy Kunlun. Muztagh Ata nằm phía Nam của ngọn Kongur Tagh và dưới chân phía Bắc của cao nguyên Tây Tạng. Nó được coi như thuộc Kunlun mặc dù nó gần Pamir hơn.
Không xa về phía Bắc và Đông của nhóm núi này là vùng đất thấp của thung lũng Tarim và sa mạc Taklamakan.

② → Đi hơn 800 dặm ra khỏi thung lũng Pamir đến xứ Usa (Ô-sát烏鎩). Nước này sản xuất nhiều loại ngọc thạch như bạch ngọc, khuông ngọc (ngọc đen huyền), thanh ngọc. Khí hậu ôn hòa. Trong nước có mười ngôi chùa, khoảng ngàn tăng đồ, học theo Tiểu thừa. Dân sùng kính Phật giáo, trong nước không có vua, lệ thuộc Khiết-bàn-đà. Phía Tây đô thành có dãy núi lớn có vị Tỳ-kheo nhập diệt tận định.
 Ô-sát nay là Yarkand (Yarkant, Sa-xa莎車, Shāchē, Suōchē) 37°52′Bắc 77°24′Đông, cao độ 1.189m, là một tỉnh trong Tân Cương, Trung Quốc. Nằm ở rìa phía Nam sa mạc Taklamakan trong lòng chảo Tarim. Yarkand là một vương quốc Phật giáo cổ xưa trên con đường tơ lụa nhánh phía Nam.

Thung lũng Yarkand
Sông Yarkand (sông Diệp Nhĩ Khương) là đầu nguồn của sông Thung lũng Yarkand Tarim ở Tân Cương, miền cực Tây của Trung Quốc. Sông dài 970 km bắt nguồn từ dãy Karakoram trong vùng Kashmir. Nó chảy qua vùng thung lũng của dãy Kunlun (Côn Luân), sau đó chảy về ốc đảo Yarkand. Sau khi rời ốc đảo, con sông chảy về hướng Đông bắc quanh rìa sa mạc Takla Makan. Từ đó kết hợp với các dòng khác hình thành sông Tarim. Không giống như những con sông đầu nguồn khác của Tarim, sông Yarkand đầy nước quanh năm từ những tuyết và băng hà tan trên hệ thống núi Karakoram và Kunlun, nó là nguồn nước chính của sông Tarim.

③ → Từ Usa (Ô-sát) đi về hướng Bắc, qua sa mạc rộng lớn hoang vu khoảng 500 dặm đến xứ Kashgar (Khư-sa佉沙, Sơ-lặc疏勒). Đất này khí hậu ôn hòa, dân cư tính tình thô tháo, hung dữ, mắt xanh biếc, không siêng năng học chữ. Trong nước có vài trăm ngôi chùa, một vạn tăng đồ nhưng chỉ tụng niệm không chuyên nghiên cứu nên ít thông Tam tạng.
Kashgar (Ca Thập喀什, Cascar, Kāshí). Trước kia tên Sơ-lặc疏勒, Su-leh, Sulei, Shule, Shu-le, Shele, Shu-lo hoặc Sha-le. Sanskrit: Śrīkrīrāti.
Khi dòng sông tại Kashgar đóng băng
Kashgar nằm ở rìa phía Tây sa mạc Taklamakan, dưới chân núi Thiên Sơn (Tian Shan) vị trí 39°28′Bắc, 76°03′Đông, cao độ 1.290m. Là một thành phố ốc đảo thuộc Tân Cương Duy-ngô-nhĩ (Xinjiang Uyghur). Ốc đảo Kashgar là nơi gặp nhau của hai tuyến đường nam bắc từ Trung Quốc đi quanh sa mạc Taklamakan.
Kashgar được biết đến vào năm 76 BC (trước công nguyên) khi nhà Tây Hán chinh phục được Hung Nô, Vu Điền (Khotan), Sơ Lặc (Kashgar) và các nước ở thung lũng Tarim quanh chân núi Thiên Sơn.
Sa mạc vùng Kashgar

Kashgar theo đạo Phật rất sớm, phát triển nhanh và mạnh khi con đường mậu dịch giữa Tây và Đông mở cửa, số lượng đường sá tăng lên.
Lịch sử của Kashgar cũng thay đổi theo nhiều triều đại của Trung Quốc. Đọc những tư liệu rải rác để lại, thì chiến tranh và tàn phá cũng không ít. Vương triều Kalahan tín ngưỡng đạo Hồi, nên lúc đó Kashgar là trung tâm Hồi giáo lớn nhất Tây Vực.
Huyền Trang định về thăm lại Cao Xương như lời hứa lúc ra đi, nhưng nghe tin nước Cao Xương đã bị Đường triều diệt vào năm Trinh Quán 14, hiện gọi là Tây Châu西州. Ngài ngậm ngùi mãi, bèn quyết định chọn con đường phía Nam về Trường An.

④ → Đông nam 500 dặm, qua sông Sita, qua nhiều dãy núi lớn và đến Chokkuka (Chước-cú-ca斫句迦). Nước này chùa tháp nhiều, kinh điển Đại thừa cũng nhiều.
Yecheng (Diệp Thành)
Chokkuka (Kargilik, Karghilik) nay là Yecheng (Diệp Thành叶城, Yèchéng) vị trí 37°51′Bắc 77°30′Đông. Yecheng là tên của ốc đảo và thành phố, nằm ở vành đai phía Nam của sa mạc Taklamakan, Tân Cương.
⑤ → Đầu năm 644, đi tiếp về Đông 800 dặm đến xứ Kustana (Cù-tát-đán-na瞿薩旦那), tức Vu Điền 于闐, nay là Hòa Điền. Hoà Điền chính là nước Vu Điền cổ đại (còn huyện Vu Điền ngày nay thì không phải.)
Khotan (Hotan, Hòa Điền和田, 和闐, Hétián) vị trí 37°6′Bắc 80°1′Đông, là một đô thị ốc đảo, là một điểm dừng chân quan trọng trên con đường tơ lụa phía Nam, thuộc Tân Cương Duy-ngô-nhĩ (Xinjiang Uyghur).
Nơi đây có hai con sông lớn cung cấp nước, sông Karakash và sông Yurungkash cung cấp nước cần thiết cho miền Tây nam bên ven sa mạc Taklamakan mênh mông– sa mạc rộng thứ hai trên thế giới.

Sông Yurungkash (Bạch Ngọc hà)
Đô thị cổ này có một lịch sử phong phú về tơ lụa, ngọc bích và đồ gốm. Nó nằm phía Tây sông Yurungkash (còn gọi là sông White Jade, vì nơi đây bạch ngọc tìm được trong phù sa bồi. Phần lớn ngọc bích hiện nay không còn, thỉnh thoảng có thể tìm thấy. Sông vẫn còn cung cấp nước để tưới cho đô thị và vùng phụ cận.
Vùng này là nơi khảo cổ học tìm thấy rất nhiều thứ đã bị chôn vùi trong cát sa mạc.

Sông Karakash (Hắc Ngọc hà)
Karakash (Karakax) hay Black Jade River (Chinese: Hắc Ngọc 黑玉河; pinyin: Hēiyù Hé), phát nguyên từ rặng Karakoram. Con sông này nổi tiếng nhờ những viên ngọc màu trắng hay màu lục, nằm trong dòng sông như đá cuội. [Sông Ca La Ca Thập gọi là sông Hắc Ngọc, sản sinh ra loại ngọc đen tuyền hay xanh đen].
Yurungkash (Yurungkax) hay White Jade River (Chinese: Bạch Ngọc hà白玉河; pinyin: Báiyù Hé), phát nguyên từ Kashmir, dãy Kunlun (Côn Luân), sông chảy qua Hòa Điền và cạn dần trong cát sa mạc. [sông Ngọc Long Ca Thập玉龍喀 còn tên Bạch Ngọc, vì sau cơn nước lớn trong lòng sông có loại ngọc màu trắng từ núi Kunlun chảy về đọng lại.]
Tại Hòa Điền, trên hai con sông này có thể đi vớt ngọc, tương truyền rằng, nơi nào có ngọc thạch, mặt nước ban ngày ban đêm sáng lên đặc biệt, cho nên ban đêm, nơi nào ánh trăng sáng có thể tìm thấy ngọc. Hàng năm vào mùa hạ nước lũ từ nguồn đổ về, ngọc thạch lộ thiên tại Kunlun theo lũ tràn về dòng sông. Tháng chín nước rút, nước sông trong, dân chúng kéo đi tìm ngọc.
Huyền Trang ở lại 7 ngày. Vua thân hành đến thăm. Ngài đến kinh đô, ở lại ngôi chùa thuộc Nhất thiết Hữu bộ. Ngài cho người đến Kuccha và Kashgar tìm kinh điển Ngài đã đánh mất khi qua sông Indus. Vua xứ Kustana là người mạnh mẽ có trí, kính trọng Phật pháp, tự xưng là Tỳ-sa-môn thiên, nghe tin Huyền Trang đến cùng với quần thần ra nghênh đón bái yết, vua trở lại đô thành trước, để thái tử ở lại hầu cận Ngài. Vài hôm sau cho cận thần đến đón Huyền Trang về kinh đô. Vua thỉnh Ngài giảng Du Già, Đối Pháp, Câu Xá, Nhiếp Đại thừa Luận... Quốc vương cùng đạo tục đến nghe mỗi ngày cả ngàn người.
Từ Kustana cho một thanh niên ở Cao Xương đi với thương gia đem thư báo tin về cho Hoàng đế Trung Quốc.
Sau bảy tám tháng có chiếu chỉ vua báo, hết sức vui mừng khi nghe Ngài trở về và ban lệnh cho các quan sở tại hộ vệ và đón rước.
Sau khi nhận chiếu chỉ, Ngài lập tức khởi hành, vua Kustana cúng dường cho Ngài những thứ cần thiết để khởi hành.

⑥ → Ngài đi về phía Đông 300 dặm đến thành Bhima (Bễ-ma ).
Thành Bễ-ma nay khoảng phía Bắc huyện Sách-lặc策勒 (Qira), Tân Cương. Thành này đã bị chôn vùi trong cát. Vùng bắc bộ Sách-lặc có một vài khu thành hoang phế bị cát chảy (lưu sa) chôn vùi, trong đó có tháp Phật chùa chiền và thôn trang [Tơ Trù Chi Lữ, Xa-mộ-kỳ]
⑦ → Đi tiếp về hướng Đông qua một sa mạc 200 dặm đến thành Niya (Ni Nhưỡng泥壤).
Niya

Ni Nhưỡng nay là di chỉ cổ thành Ni Nhạ尼雅, tại Tân Cương, phía Bắc huyện Dân Phong民丰 Minfeng 100km, giữa sa mạc.
Thời Đông Hán, Dân Phong thuộc nước Thiên Thiện. Di chỉ của nước này ở hạ lưu sông Ni Nhã cách huyện Dân Phong 150km về phía Bắc hiện nay đã bị chôn vùi trong sa mạc. Di chỉ Ni Nhã phân bố dọc theo sông Ni Nhã khô cạn, Nam bắc dài chừng mười cây số, Đông tây rộng hai cây số. [theo Tơ trù chi lữ, Xa-mộ-kỳ]
→ Vẫn hướng Đông vào một sa mạc cát, gió thổi cát bay, nên không để lại dấu vết, không cỏ nước. Gặp nạn yêu mị nóng độc, không có đường đi ngoài những bộ xương người và vật trên lối đi.
Sa mạc Taklamakan (Tháp-khắc-lạp-mã-can塔克拉瑪干), còn gọi là mê lộ vì gió thổi bay hết dấu chân trên đường, không có vết tích mà theo.
 Sầm Tham có thơ rằng:
Cô thành ỷ đại thích 孤城倚大磧
Hải khí nghênh biên không 海氣迎邊空
⑧ → Đi tiếp 400 dặm đến xứ Tukhara (Đổ-hóa-la睹貨邏) cũ. Thành đã hoang tàn.
Hiện nay tại Andirlangar (An-địch-nhi-lan-can安廸爾 蘭干) nằm trong sa mạc Taklamakan, người ta phát hiện cổ thành phần lớn đã bị chôn vùi trong cát. Nhưng chưa có có những khai quật rõ ràng để xác định có phải là Tukhara cổ hay là một thành lũy cổ của nhà Đường.

⑨ → 600 dặm đến xứ Calmadana (Chiết-ma-đà-na折摩馱那), lãnh thổ của Qiemo (Qarqan), Chenchen (Thả Mạt且末), thành trì còn đó mà không một bóng người.
Sông gần thành phố đóng băng từ hai đến ba tháng trong mùa đông.
⑩ → Đông Bắc 1000 dặm đến xứ Navapa (Nạp-phược-ba納縛 ) đất Loulan (Lâu-lan樓蘭) [nay thuộc huyện Nhược Khương若羌 Ruoqiang (Qarkilik)].

Phía Đông của thành phố cổ xưa Niya là một thành phố bị chôn vùi đang nổi tiếng trên thế giới đó là vương quốc Loulan, vương quốc này đã bị cát vùi lấp hơn 1.400 năm qua.
Vùng lòng chảo quanh sa mạc Taklamakan có khoảng 36 đô thị, trên đường bành trướng của sa mạc, nó đã vùi lấp tất cả vương quốc kia dưới đụn cát cao 250m, các vương quốc đã biến mất trong cuộc chiến đấu với thiên nhiên.

Về đến địa phận Trung Quốc
Mùa thu năm Trinh Quán 18 (644), Huyền Trang từ Dương Quan tiến vào đất nhà Đường, các quan viên ở Đôn Hoàng ra nghênh tiếp. Các đại biểu nhà Đường tặng phẩm vật cho sứ thần Vu Điền, nhưng họ từ chối không nhận.
* Các người hộ vệ của Kustana trở về, khi Huyền Trang đến Sa Châu沙州.
Dương Quan cổ đạo
Dương Quan

Đi tuyến Nam con đường tơ lụa thì ra Dương Quan, đi tuyến Bắc thì ra Ngọc Môn Quan. Lúc đi Huyền Trang chọn hướng Bắc nên theo sông Sơ Lặc đến Ngọc Môn Quan vượt Ngũ phong đài qua sa mạc đến Hami.
Đường về từ Nhược Khương vượt sa mạc theo hướng Nam vào Dương Quan đến Đôn Hoàng.
Vương Duy王維 trong Vị Thành Khúc渭城曲 có nhắc đến ải Dương Quan với hai câu kết “Xin mời anh hãy uống hết chén rượu tiễn này, Vì khi anh đi về phía tây Dương Quan rồi sẽ không còn bạn thân nữa.” Và bài thơ lưu truyền đến ngày hôm nay.
渭城朝雨浥輕塵客舍青青柳色新勸君更盡一杯酒西出陽關無故人Vị thành triêu vũ ấp khinh trầnKhách xá thanh thanh liễu sắc tânKhuyến quân cánh tận nhất bôi tửuTây xuất dương quan vô cố nhân.
Sa Châu là Đôn Hoàng ngày nay.
Đôn Hoàng có nghĩa là “thịnh đại”, nó là yết hầu của con đường tơ lụa. Đôn Hoàng là một lục châu đầy nước và cỏ, đây là trạm dừng chân để chuẩn bị lương thực vượt sa mạc Taklamakan rộng lớn.
Đôn Hoàng là dải đất ở tận cùng Hành lang Hà Tây ở mút phía Tây. Từ đời nhà Hán trở đi đây là con đường giao thông trọng yếu giữa Trung Quốc và các nước Tây Vực. Thời Thượng cổ đất này của Tây Nhung西戎, thời Xuân Thu gọi là Qua Châu, thời Tầnlà đất thuộc Đại Nguyệt Chi大月氏, thời Hán sơ thuộc Hung Nô. Niên hiệu Nguyên Đỉnh元鼎 năm thứ sáu (111 B.C.) đặt là Đôn Hoàng Bộ. Đến đời Đông Tấn, niên hiệu Hàm Khang năm đầu (335- 341) đặt đất này là Sa Châu.

Đôn Hoàng di chỉ
Khoảng niên hiệu Long An隆安(397- 401) nhà Tây Lương kiến lập kinh đô nơi đây.
Thời Hậu Ngụy, Thái Vũ Đế đặt là trấn Đôn Hoàng敦煌鎮.
Đến nhà Tùy, khoảng niên hiệu Đại Nghiệp (605-616) đổi thành quận Đôn Hoàng. Các triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh lần lượt đặt là Qua Châu, Tây Sa Châu, Đôn Hoàng, Sa Châu. Đời Thanh, Càn Long (1736-1795) đặt là huyện Đôn Hoàng, thuộc tỉnh Cam Túc.
Đất này từ xưa đã có nhiều bộ tộc cư trú, văn hóa phong tục phức tạp. Phật giáo từ xưa đã được truyền bá tại đất này, nơi đây đã có nhiều vị Cao tăng, các vị tăng dịch kinh đến đây, không tính kể hết. Người đương thời xưng tán
Cao tăng Trúc Pháp Hộ là “Đôn Hoàng Bồ Tát”, người đầu tiên tại Đôn Hoàng lập chùa truyền bá. Các Cao tăng đi Tây vực cầu pháp cũng dừng lại nơi đây rất nhiều. Ngoài ra đến đời Bắc Ngụy có Cao tăng Đàm Vô Sấm ở nơi đây dịch Bồ Tát Giới Bổn菩薩戒本 và Đại Bát Niết Bàn Kinh大般涅槃經 (Bản Bắc). Đàm-ma mật-đa曇摩蜜多 nơi đây khai khẩn đất, kiến lập tinh xá, tận lực hoằng pháp.
* Ngài viết thêm cho Hoàng đế một bức thư, vua sai Lương quốc công, Phòng Huyền Linh sắp đặt việc đón tiếp.
* Nghe tin vua sắp đi viễn chinh gần sông Liêu, Ngài vội trở về đến kinh Tào Thượng漕上 (canal). Chính quyền địa phương không biết cách đón tiếp Ngài nhưng dân chúng thì kéo đến đảnh lễ hàng hàng người, làm các con đường đông nghẹt không lối đi, Ngài phải ở lại Tào Thượng漕上 một đêm.
* Tháng Giêng mùa xuân niên hiệu Trinh Quán 19 (645) Thủ tướng Phòng Huyền Linh cử Hầu mạc Trần Thật, đại tướng xứ Hữu Võ Hầu, Lý Thúc Thông, Tư mã ở Ung Châu và Lý Hàn Cựu, Huyện lệnh ở Tràng An đi đón Ngài. Ngài đến Tào Thượng, theo sau là vô số người ở tại khách xá và kinh đô.
* Vào ngày ấy theo lệnh chính quyền nhiều ngôi chùa trong kinh đô đều sửa soạn đón tiếp, rước xá-lợi Phật và kinh tượng do Ngài thỉnh về. Dân chúng vô cùng hân hoan, tranh nhau bái yết Ngài.

* Ngài mang về Trung Hoa:
- 150 viên xá-lợi Phật - 1 tượng Phật vàng trong hang Long-khốt trên núi Chánh Giác ở Ma-kiệt-đà
- 1 tượng Phật bằng gỗ trầm hương, trình bày đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên ở Varanasi
- 1 tượng Phật bằng gỗ trầm hương mô phỏng tượng trầm hương do vua Udayana xứ Kausambi tạc
- 1 tượng Phật bằng bạc tạc hình đức Phật từ cung trời giáng xuống cung Ca-tỳ-la-vệ
- 1 tượng Phật bằng vàng tạc hình đức Phật đang thuyết kinh Pháp Hoa và những kinh khác trên đỉnh núi Thứu-phong xứ Ma-kiệt-đà
- 1 tượng Phật bằng gỗ trầm hương tạc hình đức Phật khắc phục mãng xà ở Nagaraha
- 1 tượng Phật bằng gỗ trầm tạc hình đức Phật khất thực quanh thành Vaisali và vài tượng khác
* Kinh điển Ngài mang về:
- 224 bộ kinh Đại thừa
- 192 bộ luận Đại thừa
- 15 bản của phái Thượng tọa
- 15 bản của phái Đại chúng
- 15 bản của phái Chánh lượng
- 22 bản của phái Di-sa-tắc
- 17 bản của phái Ca-diếp-tỉ-la
- 42 bản của phái Pháp mật
- 67 bản của phái Nhất thiết hữu
- 36 bộ Nhân minh luận
- 13 bộ Thanh minh luận
Tổng cộng 520 hòm có 675 cuốn, phải dùng 20 ngựa để mang.

Ngài ra đi vào tháng 4 niên hiệu Trinh Quán thứ 3 (629 sau kỷ nguyên), vào lúc 26 tuổi, từ Tràng An cho đến Vương-xá, đã đi hơn 8.333 dặm Anh (khoảng 10.000 km), mất tất cả 17 năm trước khi về đến Trung Quốc.

Truy cập