II.4/ Miền Nam Á (ĐĐTVK Q3) QUA 8 NƯỚC


ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỰC KÝ - QUYỂN 3
(大唐西域記卷第三)
[Đi qua 08 nước]
1- Udyana (Ô-trượng-na) → 2- Baltit (Bát-lộ-la) → 3- Taxila (Đát-xoa-thỉ-la) → 4- Jhelum (Simhapura, Tăng-ha-bổ-la) → 5- Hazara (Urasa, Ô-thứ-thi) → 6- Kashmir (Ca-thấp-di­la) → 7- Punch (Bán-nô-tha) → 8- Rajauri (Rajapura, Át-la-xà-bổ-la). 

① → Đi thêm 600 dặm trèo non lội suối đến Udyāna (Ô-trượng­na烏仗 ). Nhà Đường gọi đây là nước Uyển.
Xứ này khe núi liên tiếp, dân chúng kính tín Đại thừa. Phật giáo hưng thạnh, xưa có cả ngàn ngôi chùa, tăng chúng một vạn tám ngàn. Nay chùa viện phần lớn hoang phế, tăng chúng giảm nhiều. Nơi này có nhiều sự tích Bản sanh của đức Phật.
Sông chảy qua Udyana
Sông Swat chảy qua Udyana
 Udyāna (Ô-trượng-na烏仗那U-chang-na, Ô Trường烏長, Ô Tôn烏孫, Ô Tràng烏場, Ô Triền烏纏, Ô Trành烏萇) ngày nay nằm trong thung lũng sông Swat, thuộc Pakistan.
Udyāna theo tiếng Sanskrit có nghĩa là khu vườn (pinyin: wu chang), vị trí nằm phía Bắc của Peshawar trên sông Swat, đô thị là Mangala (Mingaora, Mangora).
Đây là vùng đất Phật giáo miền Bắc Ấn, một phần của biên giới là sông Indus (Tín Độ), ranh giới phía Nam là vùng đất Soo-ho-to.
Nơi đây có một tảng đá ngày xưa đức Phật phơi y và có một nơi đức Phật hàng phục được rồng. Hiện có di tích dấu chân Phật.
Pháp Hiển khi đến đây có ghi lại rằng: Đây có di tích khi Đức Phật đến miền Bắc Ấn, Ngài có đến nơi đây một lần và để lại dấu chân. Dấu chân dài hay ngắn tùy tâm người xem. Hiện nay vẫn còn. (Theo những tài liệu hiện nay dấu tích đó còn tại thung lũng sông Swat, vị trí 3501316Bắc 720459Đông).
Phía Đông thành bốn mươi lăm dặm có một đại tháp, tích truyện kể đây là nơi ngày xưa lúc Phật làm vị tiên nhẫn nhục bị vua Ca Lợi Vương làm hại.

◉ 250 dặm về phía Đông bắc của đô thị, vào miền núi non gặp suối Apalāla (A-ba-la-la阿波邏羅) còn gọi là A-ba-lợi Long tuyền, vốn là nguồn của sông Subhavastu (Tô-bà-phạt-tốt-đổ蘇婆伐窣堵). Từ nguồn chảy xuống đất này, nước lạnh buốt, xuân hạ thường đóng băng, chiều xuống thì tuyết bay luôn có màu ngũ sắc lất phất như hoa múa giữa trời không. Phía Tây nam Long tuyền (Suối A-ba-la-la) 30 dặm bên bờ Bắc có một tảng đá có dấu chân Phật, khi Đức Phật độ rồng dữ lưu dấu chân lại. Vua rồng quy y, nghe Phật thuyết pháp, sinh tâm thanh tịnh và ngộ đạo. Thuận theo dòng suối đi 30 dặm có một tảng đá nơi Đức Phật giặt y.
Thung lũng sông Swat
Shingardar Buddhist Stupa trên đường đi của thung lũng sông Swat 
 Sông Subhavastu nay là sông Swat (sông Tư-ngõa-đặc斯瓦特). Sông Swat phát nguyên từ dãy Hindu-Kush chảy qua thung lũng Kalam và nhập vào sông Kabul tại Peshawar nơi thung lũng Sarhad, Pakistan.
Thung lũng Swat 34°50′00″Bắc 72°22′00″Đông, nằm trong vùng North-West Frontier Province (NWFP) của Pakistan, thủ đô là Saidu Sharif. Với nhiều núi cao, đồng cỏ xanh, và hồ nước trong, đó là một nơi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên.
Thung lũng nằm bên bờ sông Swat, trước kia được biết với tên sông Shrivastu, sau nữa là sông Suvastu.
Swat được biết trên hai ngàn năm, và thời cổ nó có tên là Udyana. Năm 305 BC (trước công nguyên) thuộc vương triều Khổng Tước (Mauryan Empire). Vào thế kỷ thứ II BC, vùng đất này Phật giáo rất phát triển nhờ vương triều Quý Sương (Kushans).
Có nhiều nhà khảo cổ đã xác định vị trí của những thánh tích ngày xưa. Viện bảo tàng Swat có trưng bày dấu tích của dấu chân Phật được tìm thấy ở thung lũng Swat.

◉ 400 dặm về phía Nam gặp núi Hila (Hê-la醯羅). Theo truyện tích đây là nơi khi Phật tu hạnh Bồ Tát xả thân để được nghe nửa bài kệ.
◉ Cách 50 dặm về phía Tây đô thị Mang-laur (Măng-yết-li瞢揭釐), qua sông lớn, qua tháp Lohitaka (Lô-hê-đát-ca慮醯呾迦) [vua A Dục xây]. Về hướng Đông bắc của đô thị chừng 30 dặm, gặp tháp Adbhuta (Yết-bộ-đa遏部多) bằng đá. Qua sông lớn về phía Tây của ngôi tháp đi chừng vài lý gặp đền thờ Quan Thế Âm.


Mang-laur (Mangata, Mangora hoặc Manglora, Mingaora, Mingora) là thủ đô của Udyāna (Ô-trượng-na).
Mingora là một thị trấn ngày xưa với nhiều hàng hoá, nhiều cơ quan. Nó đứng đầu trong vùng Swat. Viện bảo tàng Swat tọa lạc giữa Mingora và Saidu, có nhiều bộ sưu tập nghệ thuật Gandhara với những hình ảnh giá trị, cùng với những vật bằng sành, bằng đất nung, những chuỗi hạt, những đá quý, tiền đồng, tranh thêu, gỗ chạm... thuộc dân tộc Gandhara.
Saidu Sharif cũng là thành phố như Mingora, các nhà khảo cổ còn giữ lại được tháp Butkara Buddhist Stupa. Mingora nằm cạnh con đường chính của thung lũng Swat, bên Nam ngạn sông Swat. Saidu sharif nằm phía Nam Mingora.

◉ Từ thành Măng-yết-li瞢揭釐 (Mingaora) về hướng Đông bắc, qua núi vượt đèo lên thượng nguồn sông Tín Độ (Indus). Đường đi hiểm trở, núi non thăm thẳm, những chỗ núi non hiểm trở phải đục hai bên sườn núi đá mà bắc ván gỗ làm đường đi. Đi hơn ngàn dặm đến thành Đạt-lệ-la-xuyên達麗羅川, nơi đây có tượng Bồ Tát Di Lặc bằng gỗ.
Đạt-lệ-la-xuyên達麗羅川 (Đà-lịch陀歷, Darel [Darada]) kinh đô cũ của Ô­trượng-na. Darel là một thung lũng nằm ở hữu ngạn dòng sông Indus (phía Tây dòng Indus)
② → Từ đây đi tiếp về hướng Đông ngược dòng sông Tín Độ (Indus) vượt núi qua đèo hiểm nguy khôn cùng mới đến nước Bát-lộ­la缽露羅. Nước này nằm trong vùng Đại Tuyết Sơn (Great Himalaya). Khí hậu lạnh nên dân tình hung bạo, ít lễ nghĩa. Có hơn trăm ngôi chùa, tăng đồ hơn ngàn người.
Bát-lộ-la鉢露羅Po-lu-lo (Bát-lô-lặc鉢盧勒, Ba-lộ波路, Bố-lộ布露, Bột-luật勃律: Đời Đường chia làm Tiểu Bột và Đại Bột), tiếng Phạn là Bolor (Balti). Ở phía Bắc Ca-thấp-di-la迦濕彌羅. Nay khoảng Baltit thuộc Baltistan (Ba-nhĩ­thiếp-tư-thản巴尓怗斯坦) [theo Cunningham].
③ → Ngài đi về phía Nam đô thị Udaka-khāṇḍa (Ô-đạc-ca-hán-đồ烏鐸迦漢荼), qua sông Indus và vào xứ Takshasila (Đát-xoa-thỉ-la呾叉始羅). Takshasila (Đát-xoa-thỉ-la呾叉始羅) khí hậu ôn hòa, dân thuần phác, sùng kính Tam bảo, chùa tuy nhiều nhưng phần lớn đều hoang phế, tăng chúng ít, tu theo Đại thừa. Vua A Dục có xây tháp ghi di tích Phật.
Takshasila

Đến đời vua A Dục (Asoka), nơi đây là kinh đô miền Tây bắc. Thái tử Câu-lãng-noa拘浪拏 coi thành này và bị ám hại.
Thái tử là con vua A Dục, tên Đạt-ma-bà-đà-na達磨婆陀那 (Dharmavardhana). Thái tử có đôi mắt đẹp như chim Cưu-­na-la鳩那羅 nên có tên là Câu-na-la駒那羅 (Kuāla), hoặc gọi Câu-lãng-noa拘浪拏 . Cuộc đời Thái tử gặp hoạn nạn được kể rất nhiều trong truyện cổ Phật giáo sau này.
TAXILA

TAXILA

Thành này là nơi cổ kính, khi Huyền Trang qua đây còn một vài cảnh chùa, và có tháp ghi di tích tiền thân Phật.
Takshasila (Đát-xoa-thỉ-la呾叉始羅) còn gọi là Taxila thuộc Rawalpindi trong Punjab, gần Shahdheri. Taxila là một nơi khảo cổ quan trọng của Pakistan, nơi có một thành phố di tích Gandhāran và trường đại học Takshashila (Takkasila, Taxila), là trung tâm học thuật của Vedic/Hindu và Buddhist trong 7 thế kỷ, từ thế kỷ thứ V trước công nguyên đến thế kỷ thứ II sau công nguyên. Hiện nay đã được UNESCO công nhận.
Tên Taxila là âm của tiếng Ba tư (Persian), tiếng Phạn là Takaśilā, Pali là Takkasilā. Hiện nay Taxila vị trí 33°46′45″Bắc, 72°53′15″Đông, thuộc vùng Rawalpindi, gần thủ đô Islamabad. Viện bảo tàng Taxila được thiết kế còn lưu giữ nền văn minh Gandhara. Những di tích Phật giáo đương thời còn tìm thấy tại Taxila, và cả nền văn hoá Ấn giáo. Taxila còn một đặc điểm khác là, nó có một đại học cổ nhất trên thế giới là Takshashila University. Sau nhiều thăng trầm và biến động của lịch sử, nó từng là nơi huy hoàng rồi chìm vào lãng quên rồi được phục hưng trở lại. Mãi đến những thế kỷ gần đây nó được thiết lập lại trở thành một đô thị lớn.
► Rawalpindi vị trí 33°36′00″ Bắc 73°02′00″ Đông, cao độ 500m, là một thành phố trên cao nguyên Potwar thuộc tỉnh Punjab, và gần thủ đô Islamabad của Pakistan.
Vào mùa hè nhiệt độ có thể lên đến 52°C và mùa động có thể xuống đến -5°C.
Rawalpindi, còn được gọi là Pindi, nó có một chiều dài lịch sử trải nhiều ngàn năm. Các nhà khảo cổ tin rằng nền văn hoá có trên cao nguyên này khoảng 3.000 năm.
Rawalpindi

Sông Indus uốn cong về hướng Bắc Pakistan

Vùng Delta của sông Indus
Sông Indus bắt nguồn từ vùng phụ cận của hồ Mansarovar trên cao nguyên Tây Tạng, chảy từ dãy núi Himalaya theo hướng Tây bắc qua tới Ladakh-Baltistan tới Gilgit (Kashmir) ở phía Nam của dãy núi Karakoram, sau đó dần dần chuyển hướng theo hướng Đông nam, chảy qua những hẻm núi khổng lồ gần Nanga Parbat massif. Ra khỏi các vùng núi ở đoạn giữa PeshawarRawalpindi, chảy theo hướng nam gần như theo toàn bộ đường chiều dài biên giới của Pakistan với Ấn Độ nhưng sâu trong lãnh thổ của Pakistan. Chiều dài của sông này khoảng trên dưới 3.000km.
Indus có nhiều sông nhánh, có thời được gọi tên là Satnad River khi sông này nhận nước của sông Kabul. Satnad River (Sat= 7, nadi= sông): sông Kabul, sông Indus và năm sông của vùng Punjab (Chenab, Ravi, Sutlej, Jhelum, Beas).
Cuối cùng sông kết thúc tại vùng tam giác Delta) phía Đông của Thatta, gần cảng Karacchi.
Cuối đường đi, nơi vùng tam giác, sông tạo nên nhiều vùng đầm lầy, những dòng suối những nhánh sông con rồi hòa nhập vào biển ở một độ sâu không sâu lắm.
Sông Indus ở vùng Karakoram


④ → Tây nam 700 dặm đến xứ Simhapura (Tăng-ha-bổ-la僧訶補羅Seng-ho-pu-lo). Núi non cao ngất chung quanh. Khí hậu lạnh, tánh người mạnh mẽ. Xứ này lệ thuộc nước Ca-thấp-di-la迦濕彌羅. Về phía Nam đô thành có tháp Phật do vua A Dục xây, có chùa nhưng không có tăng chúng.
 Sông Jhelum

Jhelum mùa tuyết phủ
Cầu dây qua sông Jhelum

Simhapura nay là vùng Jhelum trong Punjab.
Jhelum nằm phía Tây sông Jhelum. Jhelum (Jhelam, Shahmukhi) 32°0′56″Bắc 73°0′44″ Đông, cao độ 120m, nằm phía Bắc tỉnh Punjab.
Khu vực Jhelum trải dài từ sông Jhelum gần đến sông Indus. Phía Nam giáp Sargodha, Đông nam giáp Gujrat và sông Jhelum, Tây giáp Chakwal, Đông giáp Mirpur và Bắc giáp Rawalpindi. Jhelum nóng vào mùa hè và khô, ôn hòa vào mùa đông. Lượng mưa trong năm 900mm.
Tàu thuyền có thể đi lại trên sông trong vùng Jhelum. Phong cảnh gây ấn tượng, tuy là nó không hoang dã như vùng núi của Rawalpindi ở phía Bắc, nhưng có vẻ tươi tắn nhờ thung lũng trồng trọt.
→ Sau đó Huyền Trang đi ngược lại phía Bắc Takshasila qua sông Indus (sông Tín Độ) đi hướng Đông nam 200 dặm vào Đại thạch môn (Great Stone Gate).
Nơi đây có sự tích Vương tử Ma-ha-tát-đoả摩訶薩埵 xả thân cứu bảy con cọp bị đói, sau đó đất đai trong vùng nhuốm màu đỏ như thấm máu của Ngài. Đến nay đất trong vùng vẫn đỏ và cây cỏ đều có sắc đỏ.

⑤ → Đi tiếp về hướng Đông nam giữa đồi núi khoảng 500 dặm đến Urasa (Ô-thứ-thi烏刺尸 Wu-la-shi, Ô-thứ-xoa烏刺叉). Xứ này núi đồi trùng điệp, ruộng đồng hẹp, khí hậu ôn hòa, phong tục lễ nghi sơ khai.
Urasa là tiếng Sanskrit, nay là Hazara, vị trí 34°30′Bắc, 73°15′Đông. Biên giới của Hazara về phía Bắc và Đông là vùng Northern Areas và Azad Kashmir, phía Nam là thủ đô Islamabad của tỉnh Punjab, phía Tây nằm trên đường chia ranh North-West Frontier Province. Sông Indus chảy qua đường ranh Bắc-nam.
⑥ → Vẫn hướng ấy, trèo qua những ngọn đồi nguy hiểm rồi qua một cầu sắt (Iron bridge), đi hơn 1000 dặm, đến xứ Kashmir (Ca-thấp­di-la迦溼彌羅), cố đô nay ở tại Srinagar (Tư-lợi-na-gia斯利那加 thủ đô của Khắc-thập-mễ-nhĩ克什米尔) do Ấn Độ kiểm soát.
Trung Quốc thời nhà Hán gọi nơi đây là Kế Tân罽賓.
Nước này bốn bên núi cao ngất trời, đường vào rất hẹp, nên xưa nay không bị xâm lấn. Khí hậu lạnh, tuyết nhiều, gió ít. Phía Tây đô thành gần sông lớn. Có những bảo tháp do vua A Dục xây, tháp đều có thờ xá-lợi Phật. Chùa có trăm ngôi, tăng chúng hơn năm ngàn người.
Vùng Jammu & Kashmir có thủ đô là Srinaga (Tư-lợi-na-gia斯利那加), vị trí 34009Bắc 74079Đông, cao độ 1.730m, diện tích 105km2. Thành phố có mặt hơn hai ngàn năm qua và có một chiều dài lịch sử. Vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên thành phố là một phần đất của vương triều Khổng Tước (Maurya), là một trong những vương triều lớn nhất của Ấn Độ. Vua A Dục (Ashoka) đã đem Phật pháp tới thung lũng Kashmir, và những vùng đất gần với thành phố trở thành trung tâm Phật giáo. Vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, vùng đất này dưới sự kiểm soát của vương triều Quý Sương (Kushans), và nhiều vị vua của triều đại này đã truyền bá giúp Phật giáo phát triển mạnh.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn 400 năm, vua Ca-nị-sắc-ca迦膩色迦 kết tập Tam tạng lần thứ tư. Lần kết tập này thừa nhận Nhất thiết Hữu bộ. Trong kỳ kết tập này Tôn giả Thế Hữu世友 đóng vai trò quan trọng. Có ngài Hiếp Tôn giả脅尊者 biên soạn bộ luận Đại Tỳ Bà Sa. Vua dùng đồng đỏ dát thành những phiến mỏng để khắc toàn bộ Tam tạng, dựng tháp để bảo tồn những bộ Kinh Luận này. Sau khi vua mất, nước loạn lạc, về sau Phật giáo không còn phát triển mạnh nữa.
[Hiếp Tôn giả là tổ thứ mười của Thiền Tông].
Trăng sáng trên núi tuyết - KASHMIR
 Phía Đông nam tân đô thành hơn mười dặm, phía Bắc cổ thành, nằm ở phía Nam núi lớn có một ngôi chùa tăng đồ hơn ba trăm người, có tháp thờ răng Phật, màu trắng vàng, có lúc phát sáng. Từ đó đi về hướng Nam có chùa với tượng Quán Âm, đi tiếp Đông nam hơn ba mươi dặm gặp một ngọn núi, trên núi có ngôi chùa cổ còn hơn ba mươi tăng đồ, tu tập theo Đại thừa. Trước kia Tăng-già-bạt-đà-la僧伽跋陀羅(Saṃghabhadra, dịch là Chúng Hiền眾賢) soạn quyển Thuận Chánh Lí Luận順正理論 cùng thời với Bồ Tát Thế Thân.
[Tăng-già-bạt-đà-la có hai vị, một vị người Ca-thấp-di-la Bắc Ấn, soạn quyển Thuận Chánh Lí Luận順正理論 cùng thời với Bồ tát Thế Thân. Một vị người Tây Vực sang Trung Quốc dịch kinh khoảng nhà Nam Tề năm 483-493].
Punch (Bán-nô-ta)  Rajauri (Át-la-xà-bổ-la)

Khi Huyền Trang đến nước Ca-thấp-di-la, vua nghe có Cao tăng đến tiếp rước rất long trọng và thỉnh Ngài thuyết pháp. Nơi đây Huyền Trang được học với Cao tăng Đại thừa là ngài Tăng Xứng僧稱.
Ngài Tăng Xứng là bậc giới hạnh nghiêm minh, đa văn tổng trì, tuy tuổi bảy mươi nhưng vẫn minh mẫn, thâm giải đạo lý cao siêu, quý hiền trọng sĩ. Khi gặp ngài Tăng Xứng, Huyền Trang khiêm cung thưa hỏi không mỏi mệt, nhân đây thỉnh chỉ dạy các bộ luận. Ngài Tăng Xứng tuổi đã bảy mươi, tuy khí lực suy yếu, nhưng khi gặp Huyền Trang rất vui mừng, đem hết sức giảng dạy. Buổi sáng giảng Câu Xá Luận俱舍論, chiều giảng Thuận Chánh Lí Luận順正理論, tối giảng Nhân Minh Thanh Minh Luận因明聲明論. Học chúng theo không nổi chỉ có Pháp sư lãnh ngộ đến chỗ thâm áo. Ngài Tăng Xứng khen ngợi Huyền Trang sau này nối tiếp pháp hai ngài Vô Trước, Thế Thân. Các học tăng nhiều nơi đến học, thấy Huyền Trang được khen ngợi như vậy, liền chất vấn nhưng Huyền Trang đều giải đáp rõ ràng.
Trong thời gian đó, nhà vua cho các vị quan phụ giúp Huyền Trang sao chép kinh luận để sau này Ngài đem về nước.
Huyền Trang ở lại Kashmir hai năm để học kinh luận và viếng các Phật địa ở đây.
⑦ → Rời Kashmir, Ngài đi theo đường núi về hướng Tây nam 700 dặm đến Punch (Bán-nô-ta半笯嗟).
Nước này nhiều sông nhiều núi, diện tích đất trồng nhỏ hẹp. Khí hậu ấm áp, phong tục có tính cách quyết liệt mạnh mẽ.
Người dân tính tình chất phác, thuần hậu, tin tưởng Tam bảo. Có năm ngôi chùa, nhưng phần lớn bị hoang phế.
Phía Bắc đô thành có một ngôi chùa, ít tăng chúng. Có một tháp bằng đá.
Vùng Punch (Poonch, Prontsa) được mọi người coi như một tiểu Kashmir, đó là một vùng nhỏ ngày nay dưới sự kiểm soát của Pakistan.
Poonch có một lịch sử trước công nguyên rất lâu đời, từ khi bước chân Đại đế A-lịch-sơn (Alexander) đến. Và lịch sử thay đổi rất nhiều qua từng triều đại.
Huyền Trang đến thăm nơi đây thì cả ba vùng Rajaori, Poonch và Abhisara chịu sự thống trị của Kambojas (Kham-ba-giai-tư堪波佳斯).

⑧ → Ngài đi tiếp 400 dặm đến Rājapura (Át-la-xà-bổ-la遏邏闍補羅) là một phố nhỏ dưới chân đồi [phía Nam Kashmir]. Đô thành hiểm trở, nhiều đồi núi, sông suối nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiêu. Có mười ngôi chùa, rất ít tăng chúng.

Từ nước Lam-ba đến đây, dân chúng không được nho nhã cho lắm về tính tình lẫn hình dáng.
Rājapura nay là Rajauri (Lạp-giác-lợi拉覺利) tọa độ 33°38′Bắc 74°3′Đông, cao độ 915m.
Rajauri hiện nay là một thành phố thuộc khu vực Rajauri, trong Jammu & Kashmir - Ấn Độ.




Truy cập